Tin tức

Biều tượng Hổ phù trên kiến trúc cung đình Huế

Thứ tư, 26/01/2022 - 14:50

Mang ý nghĩa biểu tượng của sự trường tồn, bất tử, xua đuổi tà khí, mặt Hổ phù được dùng để trang trí trên vòm cổng, đầu hồi của nhiều cung điện, lăng tẩm ở Quần thể di tích Cố đô Huế. Với sự tài hoa của các nghệ nhân xưa đã tạo ra những mặt Hổ phù sinh động, sáng tạo góp phần tạo nên những giá trị thẩm mỹ riêng biệt của các công trình kiến trúc cung đình Huế.


Biều tượng Hổ phù trên kiến trúc cung đình Huế
 
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, nguồn gốc hổ phù xuất phát từ dòng văn hóa Trung - Ấn. Theo truyền thuyết, có một con quỷ sinh sống cùng thần mặt trời và mặt trăng, một hôm do sự lơ là của thần mặt trăng, con quỷ đã lấy trộm được bình nước trường sanh và đang uống giữa chừng bị thần mặt trăng lấy thanh gươm chém giữa người, phần trên của con quỷ đã ngấm nước trường sanh trở thành vĩnh cửu, bất tử, phần dưới nước chưa ngấm nên bị hủy diệt.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thanh Bình - Trường Đại học Nghệ Thuật Huế, nói:Đó là truyền thuyết rất hay để giải thích cho một hình tượng, tất nhiên họ đưa ra giả định rất phù hợp. Từ đó trở thành hình tượng về sự trường tồn vì nó đã ngấm trường sanh mãi mãi không thể tiêu diệt được. Đó là lý do tại sao hổ phù phải gắn trên các công trình kiến trúc cung đình, trên áo, đồ ngự dùng để mong cho chủ nhân, vương triều mãi mãi trường tồn. 

Hổ phù mang ý nghĩa biểu tượng của sự trường tồn, bất tử, xua đuổi tà khí.

Trong Đại Nội Huế, hình ảnh hổ phù năm móng có thể được bắt gặp ngay ở phía đầu hồi cổng Ngọ Môn. Hay trên mái nóc của Điện Thái Hòa có hình tượng hổ phù cách điệu từ những áng mây đang nâng quả cầu lửa; hai bên phía mái hồi là hổ phù được đắp khảm sành sứ đang ngậm chữ Thọ.

 Tiến sĩ Lê Thị An Hòa - Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, nói:Hình hổ phù được trang trí trên các nóc điện như điện Ngưng Hy lăng Đồng Khánh hay Điện Thái Hòa. Nó thể hiện cho sự trường tồn, trường sinh bất tử.

Ở Việt Nam, vào thời nhà Lý, nhà Đinh cũng đã đưa biểu tượng này vào trang trí cho các công trình kiến trúc. Đến triều Nguyễn, yếu tố hổ phù cách điệu từ hoa lá rất nhiều, có lẽ Huế là vùng đất hài hòa giữa con người với thiên nhiên nên yếu tố thiên, địa, nhân gắn kết chặt chẽ với nhau, tạo cho hổ phù ở cung đình Huế vẻ thuần khiết, gần gũi, đầy mỹ cảm.
Theo truyền thuyết, mặt hổ phù đã đi từ chỗ phản diện trở thành chính diện, mang tinh thần chế ngự cái xấu, giữ lại cho chủ nhân sự yên hòa. Với kiến trúc cung đình Huế, từ lâu đã không thể thiếu hình tượng của hổ phù, như một khát vọng thể hiện sự trường tồn của một vương triều trong lịch sử phong kiến Việt Nam./.

 
 Đỗ Trưởng - PV TTXVN

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng