Tin tức

Thảo luận chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Thứ sáu, 07/01/2022 - 11:28

Tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, sáng nay các đại biểu đã tiến hành thảo luận trực tuyến Dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tham dự tại điểm cầu Quảng Ngãi có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Quảng Ngãi Đặng Ngọc Huy cùng các đại biểu Quốc hội khóa XV của tỉnh.

 

Thảo luận chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
 
Các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết về việc sớm ban hành và triển khai chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình kịp thời, tạo sự đột phá, có sức lan tỏa lớn, triển khai nhanh, đúng đối tượng, phù hợp với tình huống đặc biệt sẽ giúp sớm phục hồi nền kinh tế và tạo nền tảng thúc đẩy sự phát triển cho cả giai đoạn 2021 - 2025. Các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị, việc triển khai cần đưa ra các tiêu chí, nguyên tắc rõ ràng, có các ưu tiên, phân nhóm cụ thể nội dung cần làm ngay, nội dung cần triển khai từng bước để bảo đảm khả thi. Các chính sách hỗ trợ cần rà soát để có sự tiếp nối, kế thừa các chính sách đã triển khai trước đây; cần chú trọng khâu thanh tra, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn để không xảy ra sai sót, vi phạm, nhất là trong bối cảnh bố trí nguồn lực rất lớn trong khoảng thời gian ngắn. Các đại biểu đề nghị Chính phủ cần có thêm báo cáo giải trình làm rõ một số nội dung, rà soát các dự án trong chương trình để bảo đảm đúng nguyên tắc, mục tiêu, yêu cầu đề ra.
 
 
Các đại biểu trong đoàn Quảng Ngãi thống nhất cao với các nội dung mà Dự thảo Nghị quyết đưa ra để kịp thời quyết định các vấn đề quan trọng, trọng đại của đất nước trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Nếu các chính sách được quyết định đúng, kịp thời sẽ phát huy hiệu quả, tác động lớn đến sự phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

 

Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi tham gia thảo luận tại điểm cầu Quảng Ngãi
 
Tôi đề nghị Chính phủ, Quốc hội tính toán, cân đối lại: thay vì giảm 2% thuế suất giá trị gia tăng trong năm 2022, thì xem xét lại mức giảm thuế suất phù hợp hơn (có thể là giảm 1%) và áp dụng trong 2 năm 2022 - 2023 để hạn chế biến động lớn đến nguồn thu ngân sách và phù hợp hơn với lộ trình, phục hồi kinh tế.
 
Nguồn lực cho thực hiện chương trình vẫn còn một số khoản chưa được xác định rõ, như: Tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; miễn giảm lãi đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí quản lý để phấn đấu giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5% - 1%; tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách Xã hội… chưa được tính toán trong tổng quy mô của các chính sách hỗ trợ.
 
Đối với khu vực miền Trung và Quảng Ngãi, để phát huy hiệu quả dự án Đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, kính đề nghị Chính phủ xem xét, cân đối nguồn lực, bổ sung đầu tư Dự án Nâng cấp, mở rộng tuyến Quốc lộ 24B đoạn Km23+300 - Km57+170 để tăng cường năng lực kết nối với tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Đây là tuyến giao thông huyết mạch, cửa ngõ kết nối các huyện đồng bằng, thành phố Quảng Ngãi và khu kinh tế Dung Quất với đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, các huyện miền núi trong tỉnh và kết nối với tỉnh Kon Tum, đáp ứng nhu cầu giao thông, lưu thông hàng hóa rất lớn, góp phần phát huy hiệu quả kết nối nội vùng và liên vùng.
 
Các đại biểu Quốc hội cũng tập trung phân tích, làm rõ: Cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, sự cần thiết, cấp bách của từng chính sách và tổng thể các chính sách, sự phù hợp với các chủ trương, định hướng lớn của Trung ương Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội; các quan điểm, định hướng lớn cần quán triệt để đảm bảo giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế, gắn kết chặt chẽ với mục tiêu các kế hoạch 5 năm, hằng năm và kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025. Cho ý kiến về quy mô cụ thể các nguồn lực huy động cả về chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa; khả năng huy động, mục tiêu ngắn hạn, dài hạn, cụ thể và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, những lĩnh vực và địa bàn trọng tâm sao cho kịp thời, khả thi và hiệu quả./.
 
Thanh Trung/PTQ
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng