Tin tức

Sơn Hà bảo tồn và phát huy văn hóa H’re gắn với du lịch cộng đồng

Thứ bảy, 01/01/2022 - 15:45

Ở huyện Sơn Hà, người dân tộc H’re chiếm hơn 82% dân số. Di sản văn hóa của dân tộc H’re còn lưu giữ hết sức đặc sắc. Nghị quyết chuyên đề 03 của Huyện ủy Sơn Hà về bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc H’re gắn với du lịch cộng đồng ra đời năm 2021 tiếp tục tạo sự lan tỏa gìn giữ văn hóa dân gian trong mỗi người dân.


Sơn Hà bảo tồn và phát huy văn hóa H’re gắn với du lịch cộng đồng.Ảnh:Trường Thịnh
 
Sơn Hà là huyện miền núi có phong trào văn nghệ quần chúng mạnh mẽ và rộng khắp, và nhiều nghệ nhân, nghệ nhân ưu tú. Chị Đinh Thị Phước, người dân tộc H’Re huyện Sơn Hà năm nay 38 tuổi, là nghệ nhân ưu tú. Từ khi còn thiếu nữ, chị Phước đam mê làn điệu dân ca H’re của dân tộc mình. Những làn điệu Ka Lêu, qua tiếng hát của Đinh Thị Phước ngân lên trong không gian của làng, rồi lên sân khấu biểu diễn.

Nghệ nhân ưu tú ĐINH THỊ PHƯỚC-Thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà, chia sẻ: Mình muốn làn điệu dân ca mình giữ gìn được bản sắc của người đồng bào dân tộc thiểu số H’re ở thị trấn Di Lăng, của huyện Sơn Hà nói riêng và Quảng Ngãi nói chung bay cao, bay xa hơn nữa
 
Cồng chiêng gắn bó với đồng bào dân tộc H’re, không đơn giản là nhạc cụ mà còn gắn với đời sống tâm linh. Thống kê chưa đầy đủ, người dân ở huyện Sơn Hà đang lưu giữ hơn 1.000 bộ cồng chiêng. Nghệ nhân ưu tú Đinh Văn Bôn ở xã Sơn Trung có một “bảo tàng” thu nhỏ. Hơn 10 năm qua, ông Bôn miệt mài sưu tập những giá trị văn hóa của dân tộc H’re. Hơn 100 hiện vật đã được sưu tầm. Mỗi hiện vật là một câu chuyện văn hóa, là linh hồn dân tộc H’re gìn giữ lại. 

 

Cồng chiêng gắn bó với đồng bào dân tộc H’re.Ảnh:Trường Thịnh
 

Nghệ nhân ưu tú ĐINH VĂN BÔN-Xã Sơn Trung, huyện Sơn Hà, nói:Nếu không bảo tồn, không sưu tầm, không gìn giữ lại thì chắc con cháu mai sau không hiểu gì về văn hóa của ông cha mình ngày xưa. Xuất phát từ điều đó tôi cất công đi sưu tầm, lưu giữ văn hóa trong căn nhà nhỏ của gia đình như thế này. Các đồ dùng sinh hoạt của người đồng bào.
 
Ông Ba Rum ở làng Mùng, xã Sơn Bao đã gần tuổi 80 và vẫn chưa dứt niềm đam mê làm các nhạc cụ dân tộc mình.
Những cây đàn brook làm bằng nứa.
Những cây đàn chinh ka-la làm bằng tre.

Nghệ nhân BA RUM-Xã Sơn Trung, huyện Sơn Hà, nói:Chinh ka-la là nhớ nhà. Dù mình đi xa cũng nhớ chinh ka-la. Cũng như chiêng ba đó. Ví dụ mình làm tối ngày về cũng nhớ cái này. Cái này ông già, bà già nhớ cái này.
 
Người H’re có truyện cổ, có nhạc cụ như chiêng, trống và nhạc cụ tự tạo. Có làn điệu dân ca Ka lêu, Ka choi. Có kiến trúc nhà sàn. Bảo tồn, phát huy bản sắc tốt đẹp của người đồng bào H’re là quyết tâm của Huyện ủy, UBND và người dân Sơn Hà. Năm 2021 là nă  đầu tiên thực hiện Nghị quyết chuyên đề 03 của Huyện ủy Sơn Hà về Bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc H’re gắn với du lịch cộng đồng. Huyện thống kê các dữ liệu về giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Hrê trên địa bàn. Xây dựng nhà văn hóa thôn, xã theo kiến trúc đồng bào dân tộc H’re, khôi phục làng nghề truyền thống. Sưu tầm các công cụ, dụng cụ trong sản xuất, các vật dụng trong sinh hoạt hằng ngày của đồng bào H’re. Bắt đầu xây dựng Trung tâm Bảo tồn văn hóa H’re trên diện tích 25 ha. 

 

Người H’re có truyện cổ, có nhạc cụ như chiêng, trống và nhạc cụ tự tạo.Ảnh: Trường Thịnh

Bà ĐINH THỊ TRÀ -Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi, cho biết: Bước đầu hình thành các khu bảo tồn văn hóa H’re để phục hồi, phục dựng nên các nhà sàn. Bên cạnh đó tiếp tục cho đi học bảo các ngành nghề truyền thống như dệt, các nhạc cụ của người dân. Cho các con hát của người đồng bào. Các văn hóa phi vật thể và vật thể huyện vẫn đang song song làm.
 
Văn hóa các dân tộc trong cộng đồng là vốn quý, là bảo vật của mỗi một dân tộc và làm phong phú, đa dạng sắc màu văn hóa quốc gia. Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Hre được huyện Sơn Hà chú trọng để vừa gìn giữ vốn quý của cha ông để lại vừa khai thác để phát triển du lịch cộng đồng. 

 
Thảo Linh

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng