Tin tức

Không gián đoạn điều trị ARV cho bệnh nhân HIV/AIDS

Thứ tư, 01/12/2021 - 16:41

“Chấm dứt bất bình đẳng, Kết thúc AIDS” là chủ đề của ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS (01/12) năm nay. Mục đích là kêu gọi mọi người cần tập trung quan tâm tới những người yếu thế trong xã hội. Hạn chế sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ thiết yếu trong dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS một cách liên tục, đặc biệt là các dịch vụ điều trị cho người nhiễm HIV bằng thuốc ARV, để không ai bị bỏ lại phía sau.

 

Không gián đoạn điều trị ARV cho bệnh nhân HIV/AIDS. (Ảnh: Trường Thịnh)
 
Bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS phải được điều trị bằng thuốc ARV liên tục. Nếu gián đoạn sẽ gây biến chứng nặng và khả năng lây nhiễm cao cho cộng đồng. Trong thời điểm dịch COVID-19, nhiều hình thức tiếp cận, hỗ trợ và điều trị bệnh nhân HIV/AIDS được ngành y tế triển khai với quyết tâm không để bệnh nhân thiếu thuốc ARV.
 
Gần 05 năm điều trị bằng thuốc ARV, sức khỏe của bệnh nhân này có phần ổn định. Dịch COVID-19 bùng phát, việc đi lại bất tiện nhưng bệnh nhân vẫn được nhận thuốc ARV đều đặn, không bị gián đoạn điều trị.

 
 
Bệnh nhân HIV nói: Nhận thuốc thì mình cũng không quên vì đó là nhiệm vụ phải nhớ và bác sỹ cũng thường xuyên nhắc nhở, gọi điện để nhận thuốc.
 
Đại dịch COVID-19 lần thứ 4 diễn ra phức tạp làm ảnh hưởng đến các hoạt động của chương trình phòng HIV/AIDS từ tư vấn xét nghiệm đến điều trị và điều trị dự phòng. Nhiều bệnh nhân HIV/AIDS ở khu phong tỏa, cách ly không thể đến nhận thuốc theo lịch hẹn. Khoa phòng chống HIV/AIDS phải cử nhân viên mang thuốc tận nơi cho người bệnh. Phối hợp với y tế cơ sở để thăm khám, theo dõi và nhắc nhở bệnh nhân uống thuốc đúng và đủ liều.

 

Bác sỹ Hồ Viết Duẩn, Khoa phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh
 
Bác sỹ Hồ Viết Duẩn, Khoa phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh nói: Điều trị không liên tục sẽ kháng thuốc, dẫn đến nhanh chuyển sang giai đoạn AIDS và xuất hiện các triệu chứng lâm sàng như nấm vùng họng, sau đó đến phổi và gây suy hô hấp, nguy hiểm đến tính mạng.

 
 
Tỉnh Quảng Ngãi đang quản lý và điều trị 584 bệnh nhân HIV/AIDS. Đa số bệnh nhân chuyển biến tốt và đáp ứng với thuốc điều trị ARV. Nhiều biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV được triển khai như: xét nghiệm tầm soát nhanh, dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con và kiểm soát HIV/AIDS tận cơ sở. Nhờ đó, số người nhiễm HIV mới, trường hợp chuyển sang AIDS và tử vong liên quan đến HIV/AIDS giảm so với năm trước.

 

Bác sỹ Phạm Văn Long, Trưởng Khoa phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh
 
Bác sỹ Phạm Văn Long, Trưởng Khoa phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Trung tâm cũng đã lên kế hoạch để đảm bảo điều trị cho bệnh nhân. Thứ nhất phải phân tốp bệnh nhân ra không tập trung đông cùng 1 lúc, thứ 2 cấp thuốc nhiều ngày nghĩa là 90 ngày để bệnh nhân đỡ đi lại trong tình hình giãn cách. Thứ 3 là cung cấp đầy đủ thuốc ARV kể cả thuốc Methadone để đáp ứng yêu cầu điều trị cho bệnh nhân.
 
Đa dạng hoá các cách tiếp cận, hỗ trợ bệnh nhân HIV/AIDS điều trị nhằm kiểm soát tốt dịch bệnh HIV/AIDS, nhất là thời điểm dịch COVID-19. Không ai bị bỏ lại phía sau./.
 
Thục Uyên (PTQ)
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng