Tin tức

Những thầy cô ở lại

Thứ bảy, 20/11/2021 - 10:24

Hôm nay là ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11). Ngày tri ân thầy cô giáo. Trong bối cảnh dịch bệnh nên năm học này còn được gọi là "năm học COVID-19 thứ 3" diễn ra vào thời điểm "làn sóng thứ 4" của đại dịch hoành hành. Yêu cầu đặt ra với ngành Giáo dục là phải dạy học trực tuyến để đảm bảo tiến độ năm học. Tuy nhiên, ở miền núi, việc học trực tuyến rất khó khăn, nhiều nơi hầu như không thể. Trong tình thế ấy, bằng tình yêu thương học trò nghèo, thầy cô giáo từ miền xuôi lên miền núi dạy học đã đồng lòng ở lại trường dài ngày để dạy học trực tiếp, góp phần bảo vệ các "vùng xanh".


Thầy Võ Văn Hiếu nơi vùng cao Sơn Tây.
 
Đưa con nhỏ lên ở nội trú để tiện chăm sóc, đã hơn một tháng nay, thầy Hiếu chưa trở về nhà vào những ngày cuối tuần. 11 năm từ xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành lên Sơn Tây dạy học. Đây là khoảng thời gian thầy Hiếu ở lại nội trú  lâu nhất. Có con nhỏ nên thầy vừa quán xuyến chuyện gia đình, vừa cố gắng chu tất việc dạy ở trường.

Thầy VÕ VĂN HIẾU-Trường PTDT bán trú TH và THCS Sơn Long, Sơn Tây, Quảng Ngãi, chia sẻ: Nói chung là ở lâu mà không về thì cũng nhớ nhà lắm. Nhưng vì việc học của các em nên các thầy cô cùng động viên nhau ở lại để dạy dỗ. Lên dạy học miền núi có nhiều cái khổ nhưng cũng có nhiều cái hay. Mình thấy thương học trò ở đây lắm.

Đã hai tháng rưỡi nay, thầy Ly, quê ở huyện miền núi Ba Tơ chưa trở về nhà. Ngày thôi nôi cậu con trai đầu lòng cách đây hơn một tháng, cha con chỉ nhìn thấy nhau qua màn hình điện thoại. Nỗi nhớ và tình yêu thương vợ con được thầy san sẻ với học trò thông qua những giờ lên lớp. Bởi, cũng từng là một học trò Hre nghèo khó nên thầy Ly dễ đồng cảm, thấu hiểu những thiếu thốn, thiệt thòi của học trò Ca Dong. Với thầy Ly, tình cảm thầy trò gắn với nghĩa đồng bào giữa các tộc thiểu số ở vùng cao Quảng Ngãi. 

 

Thầy Phạm Minh Ly với lớp học tại Trường PTDT bán trú TH và THCS Sơn Liên, Sơn Tây

Thầy PHẠM MINH LY-Trường PTDT bán trú TH và THCS Sơn Liên, Sơn Tây, Quảng Ngãi, nói: Mình cũng nhớ nhà, nhớ vợ con lắm chứ nhưng nếu mình về mà có việc gì thì các em sẽ không học trực tiếp được. Dạy học ở miền núi thì mình phải yêu thương các em nhiều hơn. Các em thiếu thốn. Mình cũng là người đồng bào nên mình hiểu và yêu thương các em hơn.

Ở trường bán trú miền núi, giáo viên cũng như cha mẹ của học trò. Thầy cô chăm lo từng miếng ăn cho các em. Mong muốn các em được ăn uống đầy đủ. Lấy niềm vui, sự trưởng thành của học trò làm hạnh phúc cho mình.

Cô PHAN THỊ MINH CẨM-Trường PTDT bán trú TH và THCS Đinh Thanh Kháng, Sơn Tây, Quảng Ngãi, chia sẻ:Thầy cô ở đây thì coi các em học sinh như con cái của mình. Niềm vui của mình trong mỗi dịp 20/11 cũng đơn giản lắm. Thấy các em được quan tâm, chăm lo đầy đủ là mình vui, chứ trên này các em thiếu thốn lắm nên rất là thương các em.

Gác lại nỗi nhớ thương gia đình, nhiều thầy cô ở lại trường còn dạy phụ đạo, bổ sung kiến thức cho học sinh. Ban đêm, những lớp học vẫn sáng đèn. Nghĩa tình thầy trò thêm ấm áp nơi miền sơn cước./.  

 
Tấn An-Trường Thịnh-Minh Huy

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng