Tin tức

Sản xuất nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng

Thứ hai, 15/11/2021 - 19:02

Ngày 12/6/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 712 về Chương trình hành động quốc gia “Không còn nạn đói” ở Việt Nam đến năm 2025. Giai đoạn 1 (2018 - 2020), chương trình đã tập trung vào rà soát các cơ chế chính sách, xây dựng các mô hình nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng và chuẩn bị các tài liệu để hướng dẫn triển khai mở rộng. Quảng Ngãi là 1 trong 3 địa phương trong cả nước được chọn thí điểm hỗ trợ sản xuất nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng. Qua 2 năm triển khai đã mang lại nhiều tích cực, giúp nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số có nguồn thực phẩm tại chỗ để sử dụng, cải thiện được tình trạng suy sinh dưỡng ở trẻ em.

 

Đàn vịt hàng chục con nuôi thịt, đẻ trứng của anh Đinh Văn Rằn
 
Hai năm nay, nhà của anh Đinh Văn Rằn lúc nào cũng có đàn gà, đàn vịt hàng chục con. Gà, vịt xiêm nuôi thịt, đẻ trứng. Anh chọn một ít bán. Còn lại để cho gia đình sử dụng. Kể từ khi được hỗ trợ để sản xuất nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng, gia đình anh Rằn đã tiết kiệm được một khoản kha khá tiền mua thức ăn hàng ngày.
 

Anh Đinh Văn Rằn, Thôn Ra Manh, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây
 
Anh Đinh Văn Rằn, Thôn Ra Manh, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi nói: Nhà nước hỗ trợ cho gia đình chúng tôi nuôi vịt nuôi gà. Bản thân gia đình chúng tôi nói chung là thấy lợi. Thứ nhất là vịt đẻ ra vịt bán cho bà con hàng xóm lấy ít đồng mua sữa cho con uống. Thứ hai là gia đình chúng tôi cũng làm thịt để ăn trong gia đình. Nói chung là mình nuôi con vịt nó sạch.

 
 
 
 
Vợ chồng anh Un có một đứa con nhỏ 19 tháng tuổi. Năm ngoái, gia đình anh được chọn tham gia sản xuất nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng thuộc Chương trình hành động quốc gia “Không còn nạn đói”.  Gia đình được cấp 20 con gà và 20 con vịt xiêm. Lần đầu tiên nuôi gà, vịt nên anh Un gặp nhiều khó khăn. Sau đó anh học cách làm chuồng trại, chăm sóc. Đàn gà, vịt nhanh lớn và đẻ trứng thường xuyên. Cả năm nay gia đình anh đã có thêm nguồn thu nhập và nguồn thực phẩm. Điều quan trọng là anh Un đã không còn thả rông gia súc, gia cầm như trước đây.
 

Anh A Un, Thôn Ra Manh, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây
 
Anh A Un, Thôn Ra Manh, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi nói: Lâu nay có chuồng mình thả nuôi trong chuồng, chết chóc cũng ít so với hồi trước.
 
Hơn 2 năm trước, thôn Ra Manh, xã Sơn Long, huyện miền núi Sơn Tây được chọn thực hiện thí điểm thực hiện việc sản xuất nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng thuộc chương trình hành động quốc gia “Không  còn nạn đói”.
 
30 hộ gia đình có phụ nữ mang thai, gia đình có trẻ em dưới 2 tuổi được chọn tham gia. Mỗi gia đình được cấp 20 con gà siêu trứng Ai Cập, 20 con vịt con xiêm và một phần thức ăn. Tổng kinh phí hỗ trợ hơn 450 triệu đồng. Các gia đình được hướng dẫn cách làm chuồng trại, chăm sóc đàn gia cầm.

 

Ông Đinh Quang Trú, Trưởng thôn, kiêm Bí thư Chi bộ thôn Ra Manh, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây
 
Ông Đinh Quang Trú, Trưởng thôn, kiêm Bí thư Chi bộ thôn Ra Manh, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi nói: Tập huấn về kĩ thuật chăn nuôi chăm sóc, tiêm chủng phòng dịch đàn gia cầm, cán bộ khuyến nông hướng dẫn tập huấn chỗ đó mà bà con trên này qua tập huấn đó thì thực hiện rất là tốt.

 
 
Nhiều bà mẹ trẻ như Đinh Thị Hương đã thay đổi hẳn cách chăm sóc bữa ăn cho con mình. Có bé trai 19 tháng tuổi, Hương thường sử dụng thịt gà, trứng gà có sẵn trong nhà để nấu cháo cho con.

 

Chị Đinh Thị Hương, Thôn Ra Manh, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây
 
Chị Đinh Thị Hương, Thôn Ra Manh, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi nói: Đa số những người lớn ngày xưa là không nấu cháo cho con ăn, cho ăn cơm bình thường như người lớn. Còn em bây giờ thì nấu cháo cho con đủ chất dinh dưỡng rau củ quả rồi thịt nữa, rau củ quả, thịt nhà tự nuôi tự trồng, con ăn đủ chất dinh dưỡng, phát triển mạnh khoẻ, ít ốm đau bệnh tật.

 
 
130 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã Sơn Long, Sơn Liên (huyện miền núi Sơn Tây) và xã Long Mai (huyện miền núi Minh Long) đã tham gia sản xuất nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng. Tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện hơn 1,5 tỷ đồng. Qua 2 năm triển khai đã giúp cho nhiều hộ gia đình có thêm nguồn thu nhập và nguồn thực phẩm sử dụng. Ý thức về tự lực vươn lên thoát nghèo của mỗi người dân cũng được nâng cao.

 

Ông Bạch Ngọc Thêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây
 
Ông Bạch Ngọc Thêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Sơn Tây là huyện miền núi, người dân chăn nuôi theo tập quán thả rông là chính, không có chuồng trại, nhưng từ khi thực hiện dự án này người dân huyện Sơn Tây đã biết chăn nuôi có chuồng trại, qua quá trình chăn nuôi đó giúp cho các hộ dân có nguồn thực phẩm tại chỗ góp phần vào bữa ăn cho trẻ em giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng ở mức cao xuống mức thấp.

 

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi
 
Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Chương trình này thực hiện ở những vùng có tỷ lệ hộ nghèo rất cao, có nơi trên 50%, tỷ lệ suy dinh dưỡng trên 30%, triển khai chương trình đã giúp cải thiện được tình hình này. Và giúp cho việc giảm nghèo của bà con, có nhiều hộ đã hết nghèo. Thứ ba nữa là chúng tôi tập huấn kỹ thuật chăn nuôi trồng trọt chăn nuôi, phòng dịch bệnh. Cái hay nữa là từ hiệu quả của những người tham gia chương trình đó, những người dân không tham gia chương trình nhận thấy hiệu quả đó tự giác thực hiện theo.
 
Bữa ăn của nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Ngãi giờ đã được cải thiện hơn trước. Khẩu phần dinh dưỡng được chú trọng. Sản xuất nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng đã góp phần đảm bảo an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng, thúc đẩy phát triển nông nghiệp ở vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số./.
 
Phi Khanh (PTQ)
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng