Tin tức

Bão giá thực phẩm – Nỗi lo không của riêng ai

Thứ hai, 15/11/2021 - 11:33

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc, FAO, dự báo hóa đơn nhập khẩu lương thực toàn cầu sẽ tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức kỷ lục. Các yếu tố góp phần cho sự gia tăng này được cho là do sự gián đoạn chuỗi cung ứng, giảm sản lượng thu hoạch và khủng hoảng năng lượng. Một chỉ số của Liên hợp quốc theo dõi các mặt hàng chủ lực từ lúa mì đến dầu thực vật chỉ riêng trong tháng 10 đã tăng 3% lên mức cao nhất 10 năm qua. Điều này vô hình trung khiến hóa đơn chi tiêu của các hộ gia đình, vốn đang eo hẹp vì đại dịch, nay sẽ còn leo thang hơn nữa. Với nhu cầu mua sắm tăng cao trong dịp cuối năm, cơn bão giá thực phẩm đang khiến người tiêu dùng toàn cầu vô cùng lo lắng.


Bão giá thực phẩm – Nỗi lo không của riêng ai
 
Bộ Lao động Mỹ ngày 10/11 công bố Chỉ số Giá Tiêu dùng (CPI) cho thấy giá các loại hàng hóa nước này đã tăng 6,2% so với năm ngoái, mức cao nhất kể từ tháng 12/1990 đến nay. 

Cơn bão giá không chỉ xuất hiện ở nước Mỹ, nền kinh tế hàng đầu thế giới, mà nó đã lan ra trên phạm vi toàn thế giới.

Giá lương thực đã tăng lên mức cao nhất trong 1 thập kỷ, gây thêm áp lực cho ngân sách của các hộ gia đình – vốn đã rất căng thẳng do ảnh hưởng của đại dịch và hoá đơn năng lượng gia tăng.

Năm nay, thời tiết xấu đã ảnh hưởng đến hoạt động thu hoạch nông sản trên khắp thế giới. Chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao và tình trạng thiếu lao động đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng thực phẩm từ trang trại đến siêu thị. Cuộc khủng hoảng năng lượng cũng là một vấn đề đau đầu, cộng với rủi ro về giá phân bón đắt đỏ.

Ông Abdolreza Abbassian, Nhà kinh tế cấp cao tại Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) cho biết: “Vấn đề về đầu vào và phân bón cũng như tác động của chúng đối với vụ mùa năm tới vẫn là một mối lo”.

Ông Phil Lempert – Chuyên gia phân tích tiêu dùng, chia sẻ: "COVID phá vỡ chuỗi cung ứng, không có xe tải vận chuyển hàng hóa. Những công ten nơ nhập khẩu lương thực bị chặn ở biên giới, công nhân nhà máy chế biến nghỉ việc do mắc bệnh." 

 

COVID phá vỡ chuỗi cung ứng.

Liên Hợp Quốc cho biết chi phí vận chuyển và giá thực phẩm từ rau cho đến ngũ cốc tăng cao có thể khiến chi phí nhập khẩu lương thực tăng 14% lên 1,75 nghìn tỷ USD.

Tuy nhiên, đa phần các chuyên gia vẫn khá lạc quan với việc đại dịch đang dần được kiểm soát. Hoạt động sản xuất thương mại dần trở lại sẽ sớm đưa các nền kinh tế trở về quỹ đạo tăng trưởng và cơn bão giá được kì vọng sẽ tan vào đầu năm 2022. Tuy nhiên, giải pháp trước mắt có lẽ vẫn là cần thắt chặt chi tiêu, cắt giảm bớt những món hàng không thiết yếu./.

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng