Tin tức

Giải pháp giúp doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất

Thứ sáu, 08/10/2021 - 14:44

Chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh gắn với phục hồi sản xuất, kinh doanh đang tạo thuận lợi để các doanh nghiệp từng bước thông thương, khôi phục hoạt động sản xuất sau thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tuy nhiên, để lấy lại được nhịp và tăng tốc trong những tháng cuối năm, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần tiếp tục có thêm nhiều giải pháp hỗ trợ đồng bộ, để không vuột mất thời cơ vàng mở cửa nền kinh tế.


Mặt hàng dệt may năm 2021 gặp khó khăn vì dịch bệnh.
 
Dù mục tiêu xuất khẩu mặt hàng dệt may năm 2021 đặt ra mức thực hiện 39 tỷ USD như năm 2019 sẽ rất khó khăn, song với kịch bản tích cực nhất đó là Việt Nam khống chế được dịch bệnh và thực hiện “bình thường mới” từ đầu tháng 10 năm nay, thì khả năng xuất khẩu dệt may cả năm nay của toàn ngành sẽ đạt khoảng từ 37,5 - 38 tỷ USD. Trước đó, trong bối cảnh đại dịch Covid lần thứ 4 quay trở lại, ngành dệt may lao đao vì đứt gãy chuỗi cung ứng, khó khăn trong quá trình duy trì “ba tại chỗ” khi chỉ khoảng 13% số doanh nghiệp duy trì được hoạt động sản xuất.

Ông Trương Văn Cẩm - Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nói: Trước mắt rất cần sự hỗ trợ của nhà nước để doanh nghiệp không bị đứt dòng tiền nhưng cái mà chúng tôi cho rằng quan trọng nhất đấy là được sản xuất. làm thế nào để có thể bố trí được sản xuất, muốn làm được như vậy nhà nước có giải pháp, nói mục tiêu kép mà chúng ta đang thực hiện mục tiêu an toàn số 1 đảm bảo sinh mạng của người dân nhưng chúng ta quên rằng cái thứ hai đó là cái duy trì sản xuất. Kỳ vọng tháng 10-11 tới phủ vắc xin rộng cho các địa phương cũng như Doanh nghiệp.

  Để hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn sau giãn cách, bên cạnh việc tăng cường quy mô bao phủ vaccine, coi đây là giải pháp nền tảng, cần thực hiện đồng bộ theo “5 mũi giáp công” gồm, trong đó mở cửa thị trường được coi là “cỗ máy trợ thở” lớn nhất trong lúc này cho doanh nghiệp. 

 

Mở cửa thị trường được coi là “cỗ máy trợ thở” lớn nhất trong lúc này cho doanh nghiệp. 
 
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, nói: Mở cửa là mệnh lệnh của cuộc sống và đây chính là khoảng thời gian vàng để giải cứu cho doanh nghiệp vì sự chống chịu của Doanh nghiệp của nền kinh tế đã tới hạn. Mở cửa cho các Doanh nghiệp và nền kinh tế là cỗ máy trợ thở lớn nhất cho các doanh nghiệp hiện nay, nếu chúng ta mở cửa chậm hơn thì chúng ta sẽ trả giá đắt hơn rất nhiều khi các doanh nghiệp chúng ta đã kiệt quệ, một khi đã ra đi thì khó mà trở lại và các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ dịch chuyển.

Ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, nói: Vắc xin, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là điều kiện tiên quyết, nói ngắn gọn, vắc xin là chìa khóa, việc mở cửa phải đồng bộ với độ phủ vắc xin. Thứ hai sản xuất phải an toàn, kinh nghiệm của thế giới cho thấy việc mở cửa nền kinh tế, nếu không tuân thủ hai nguyên tắc cơ bản này thì hậu quả sẽ khó lường.

Đồng thời,  các chuyên gia cho rằng, cần tăng cường cải cách thể chế, cải cách hành chính; thực hiện hiệu quả và mở rộng quy mô các gói hỗ trợ doanh nghiệp liên quan đến tài khóa, tiền tệ và an sinh; triển khai các chương trình trợ giúp nâng cao năng lực cho cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là nâng cao kỹ năng về chuyển đổi số, chuyển đổi “xanh” và tăng khả năng thích ứng, khả năng chống chịu cho doanh nghiệp.
 
Trong bối cảnh nền kinh tế đang dần được phục hồi, các địa phương đã có kế hoạch cho tái khởi động, phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh, từng doanh nghiệp cũng cần có kịch bản phục hồi một cách cụ thể, phù hợp với đặc thù của mình. Bên cạnh đó, điều quan trọng lúc này là cần tiếp tục có những giải pháp đồng bộ để trợ lực cho doanh nghiệp, phải thật sự coi mỗi doanh nghiệp là một “tế bào” trong nền kinh tế. Các tế bào nhanh chóng được phục hồi, nền kinh tế sẽ nhanh chóng được hồi phục.

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng