Tin tức

Vùng cao Hà Giang vào mùa cơm mới

Thứ tư, 06/10/2021 - 11:54

Hàng năm, cứ vào cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 âm lịch, khi tiết trời vùng cao se lạnh, những tia nắng vàng nhạt chiếu xuống nương lúa chín vàng là lúc báo hiệu một “mùa vàng” bội thu, người dân hối hả vào vụ gặt. Đây cũng là thời điểm đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao Hà Giang tổ chức lễ mừng cơm mới.


Ruộng bậc thang trải đều khắp các xã, thị trấn Hà Giang.
 
Hoàng Su Phì là huyện nằm ở phía Tây của tỉnh Hà Giang có trên 3.700 ha ruộng bậc thang trải đều khắp các xã, thị trấn. Những thửa ruộng bậc thang uốn lượn từ ven suối lên những đỉnh núi trùng điệp, trải dài, tạo lên một bức tranh kỳ vĩ, mô tả sức lao động bền bỉ, cần mẫn, bằng bàn tay và khối óc của rất nhiều thế hệ các tộc người đời đời bám núi mưu sinh.

Chị Phàn Mùi Phan, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang, chia sẻ:“Năm nay là một mùa vàng bội thu đối với bà con dân bản cũng như gia đình chúng tôi nên là chúng tôi rất là vui. Từ khi ruộng bậc thang của chúng tôi được công nhân là danh lam thắng cảnh thì có rất nhiều du khách trong và người nước đến, nay do dịch bệnh nên chúng tôi chỉ đón tiếp khách trong tỉnh”.

Nuôi cá chép trên những thửa ruộng bậc thang là truyền thống lâu đời ở Hoàng Su Phì. Mô hình này như một hình thức xen canh, giúp tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích lúa. Vài năm trở lại đây, khi du lịch cộng đồng phát triển, thì mô hình bắt cá chép trong ruộng bậc thang đã trở thành một sản phẩm du lịch mới lạ và hấp dẫn du khách trong mùa lúa chín vàng.

Sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, chính vì thế, đồng bào các dân tộc nơi đây có nhiều tín ngưỡng và nghi lễ độc đáo cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Trước khi cấy lúa có Nghi lễ cúng vụ cấy, khi thu hoạch lúa thì có Nghi lễ cúng mừng cơm mới. Tại Lễ mừng cơm mới, thầy cúng sẽ giúp gia chủ mời đón các vị thần nhà, thần nông, thần thổ địa… về cho gia chủ làm lễ tạ ơn vì đã giúp đỡ cho được mùa màng bội thu, mọi người được mạnh khỏe. 

 

Du lịch cộng đồng rất phát triển tại Hà Giang.

Nghệ nhân Lộc Tiến Săm, xã Chiến Phố, huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang, nói:“Hàng năm cúng, nếu có điều kiện thì mổ lợn, nếu không thì mổ gà cũng được. Cúng để cầu mong cho người dân và con cháu mạnh khỏe và làm ăn phát đạt”.

Sự đa dạng trong cách thức thực hiện lễ cúng mừng cơm mới không chỉ thể hiện nét độc đáo trong văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc vùng cao Hà Giang, mà còn tạo nên bức tranh văn hóa nhiều màu sắc của các dân tộc thiểu số, góp phần quan trọng trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc.

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng