Tin tức

Vì một thế giới công bằng và bền vững

Thứ ba, 21/09/2021 - 07:38

Hôm nay 21/9 là dịp mà chiếc chuông hòa bình đặt tại trụ sở LHQ ở New York, Mỹ từ thế kỷ trước vang lên, đánh dấu Ngày Quốc tế Hòa bình. Hơn nửa thế kỷ qua, người ta luôn nhắc nhở nhau về những giá trị của hòa bình thông qua những tiếng chuông ấy. Năm nay, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 ngày càng phức tạp, LHQ đã lựa chọn thông điệp "Hồi phục tốt hơn vì một thế giới công bằng và bền vững". Đúng vậy, công bằng và bền vững là hai điều mà thế giới thực sự cần vào lúc này. Dịch bệnh cũng đặt ra những thách thức lớn cho cộng đồng quốc tế về sự công bằng và phát triển bền vững. Khi chúng ta đang cố gắng chữa lành những vết thương từ đại dịch thì cũng là lúc sự bất bình đẳng về phân phối vaccine cũng như trong việc tiếp cận chăm sóc y tế càng trở nên rõ rệt hơn. Hành động vì một thế giới công bằng và bền vững sau đại dịch là thông điệp mà LHQ muốn lan tỏa nhân ngày Quốc tế Hòa bình.



Lễ thỉnh chuông hòa bình được tổ chức tại trụ sở LHQ ở thành phố New York, Mỹ.

 
Đây là những hình ảnh từ lễ thỉnh chuông hòa bình được tổ chức tại trụ sở LHQ ở thành phố New York, Mỹ. Một sự kiện mang tính biểu tượng cho khát vọng về một thế giới hòa bình. Năm nay, khi cơn sóng thần mang tên COVID_19 càn quét khắp thế giới, khát vọng ấy càng trở nên mạnh mẽ hơn…

Tiếng chuông hòa bình đã vang lên như một lời cầu chúc bình an đến cả nhân loại.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres, nói: "Thế giới đang phải đối mặt với lựa chọn “hòa bình hay nguy cơ vĩnh viễn. Nhất định, lựa chọn của chúng ta phải là hòa bình. Đó là lựa chọn duy nhất để chữa lành thế giới đang bị tổn thương."

 

"Thế giới đang phải đối mặt với lựa chọn “hòa bình hay nguy cơ vĩnh viễn".

Để đối phó với kẻ thù chung của nhân loại, hàng loạt các chiến dịch tiêm chủng đã được triển khai khắp thế giới. Thế nhưng, đó cũng là thời điểm bộc lộ sự bất bình đẳng về vaccine trên toàn cầu. Khoảng cách lớn giữa những người đã được tiêm chủng trong khi hàng triệu triệu người khác vẫn không thể tiếp cận vaccine Covid-19 và khoảng cách này lại do chính con người tạo ra, do chính các hệ thống kinh tế dựng lên rào cản đối với những người nghèo và những người dễ bị tổn thương nhất.

Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres, nói: "Cần tăng tốc để chống lại COVID_19 với vaccine, điều trị và thiết bị y tế bình đằng cho tất cả mọi người. Hãy dành sự chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, giáo dục và bảo vệ trẻ em gái và phụ nữ. Các cuộc chiến trên thế giới phải kết thúc. Đã đến lúc tập trung chống kẻ thù chung của nhân loại là COVID-19."

Bất chấp hạn chế đi lại và sản xuất, biến đổi khí hậu vẫn không hề chậm lại. Theo LHQ, những gì nhân loại cần hiện nay là một nền kinh tế xanh, bền vững, tạo công ăn việc làm và đảm bảo công bằng cho tất cả mọi người. Giảm thiểu biến đổi khí hậu trên thế giới sẽ giúp mọi người dân tiệm cận với một tương lai an toàn và khỏe mạnh hơn.

Ông Adhanom Ghebreyesus - Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nói: “Các nguy cơ đặt ra từ biến đổi khí hậu có thể vượt xa mọi nguy cơ từ bất cứ dịch bệnh riêng lẻ nào. Dịch COVID-19 sẽ kết thúc, nhưng không có vaccine cho cuộc khủng hoảng khí hậu”.

Có thể thấy, COVID-19 đã nhắc nhở chúng ta về một thực tế rằng: Những gì xảy ra ở một phần, một khu vực của một đất nước nào đó có thể làm ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng tỷ người trên khắp hành tinh. Hơn lúc nào hết, nhân loại cần phải đoàn kết để cùng nhau “Phục hồi vì một thế giới công bằng và bền vững hơn”./.

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng