Tin tức

Ngành thủy sản trước nguy cơ gãy đổ chuỗi sản xuất

Thứ tư, 15/09/2021 - 11:25

Diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 đang đặt ra những thách thức rất lớn cho ngành thủy sản ĐBSCL. Hơn 60% nhà máy đang đóng cửa, hoặc hoạt động 10 – 30% công suất, khả năng rất khó phục hồi sau dịch. Người nuôi thủy sản vì thế mà cũng rơi vào khó khăn chồng chất. Điều đáng nói là thị trường lại đang bước vào giai đoạn sôi động, nhu cầu cao. Nếu những khó khăn này không được tháo gỡ thì khả năng ngành thủy sản sẽ khó đạt mục tiêu xuất khẩu 8,5 tỷ USD của năm nay.



Nhiều ao tôm buộc phải nuôi cầm cự để chờ xuất bán.
 
Chật vật nuôi được ao tôm, nhưng lại không bán được là thực trạng khó khăn của rất nhiều người nuôi tôm ở ĐBSCL. Nhiều ao tôm buộc phải nuôi cầm cự để chờ xuất bán, dẫn đến thiệt đơn thiệt kép. Người nuôi vừa không có tiền xoay vòng vốn, vừa không thể bắt đầu vụ mới, kéo theo sự đình trệ của cả chuỗi ngành hàng, từ đầu vào đến đầu ra.
 
Ngô Thanh Toàn – Giám đốc Công ty Anh Tuấn TP Cần Thơ, nói: Vận chuyển vẫn ách tắc thì giá tôm không thể nào tăng cao được, cụ thể như 10 ngày nay không có ai mua, và cần bán 3 ao thì chỉ được 1 ao thôi vì khâu vận chuyển chỉ được nhiêu đó.
 
Giá giảm mạnh, hàng chục nghìn tấn cá tra, tôm quá lứa đang nằm chờ dưới ao tại ĐBSCL. Trong khi đó, các nhà máy lại đang đóng cửa chờ nguyên liệu. Cuối năm là thời điểm thị trường sôi động nhất, Châu Âu, và Mỹ đang có nhu cầu nhập hàng trăm container sản phẩm, với giá cao hơn 10 – 15% so với hiện nay. Tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ dám ký 50 – 70% giá trị hợp đồng vì lo ngại thiếu nguyên liệu. 

 

Vận chuyển vẫn ách tắc:giá tôm không thể tăng cao được.
 
ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Minh Phú, cho biết:Vận chuyển tôm từ vùng nuôi về nhà máy rất khó khăn, nên giờ trước tình hình này bà con không thả giống, thì tháng 10, 11 là thời điểm tiêu thụ tôm lớn của thị trường thì thiếu hụt. Hết giãn cách ấy sản xuất lại bình thường thì thiếu nguyên liệu rất trầm trọng.  
 
Đối diện với khó khăn kép, nguy cơ mất thị trường, xuất khẩu giảm trầm trọng khoảng 60% doanh nghiệp thủy sản khó có thể phục hồi sau đại dịch. Riêng tháng 8, kim ngạch xuất khẩu đã giảm 36% so với cùng kỳ. Nếu các biện pháp nới lỏng cho sản xuất thủy sản tại ĐBSCL không được triển khai, thì nguy cơ đổ gãy chuỗi sản xuất và thiệt hại sẽ càng lớn.
 
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, cho biết:Chúng ta hết sức khẩn trương triển khai các giải pháp, và chúng ta hiểu rằng, để nuôi tôm thì mất khoảng 3 tháng, nếu chúng ta không khẩn trương thì không còn cơ hội xuống vụ tôm, thu hoạch vào cuối năm.
 
Để phục hồi lại sản xuất sau đại dịch, các chuyên gia cho rằng cần phải giảm các yếu tố đầu vào, nhất là con giống và thức ăn, khuyến khích người dân thả nuôi lại, tạo nguyên liệu gối đầu cho các nhà máy. Bên cạnh đó, nên đưa ra mức giá trần và giá sàn xuất khẩu để giảm thiểu nguy cơ thiệt hại cho người nuôi. Hàng loạt biện pháp tháo gỡ cũng đang tích cực được triển khai để ngành thủy sản đạt được mục tiêu xuất khẩu 8,5 tỷ USD trong năm nay./.
 
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng