Tin tức

Cần đẩy nhanh tích hợp dữ liệu các ứng dụng phòng dịch

Thứ tư, 18/08/2021 - 13:38

Để phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19, nhiều ứng dụng công nghệ ra đời được người dân cài đặt trên smartphone. Hiện nay, mỗi người dân có thể cài 3 đến 4 ứng dụng để khai báo y tế, truy vết tiếp xúc, đăng ký và quản lý tiêm chủng. Ngoài ra, nhiều địa phương còn có các hệ thống, ứng dụng riêng. Chính vì có quá nhiều ứng dụng được triển khai đã khiến người dân lúng túng, gặp khó khăn trong việc sử dụng. Nhiều ý kiến cho rằng tại sao không gộp chung các ứng dụng này thành 1 ứng dụng tích hợp hay còn gọi là super app.

 

Cần đẩy nhanh tích hợp dữ liệu các ứng dụng phòng dịch
 
Đây là các ứng dụng phòng chống dịch mà chị Minh Đức cài đặt trong điện thoại của mình. Trong đó, Bluezone, Ncovi, Vietnam Health Declaration (VHD) đều phục vụ khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần, ngoài ra có thêm Sổ sức khỏe điện tử để đăng ký và quản lý tiêm chủng. Tuy vậy, có những app rất ít khi chị sử dụng đến.
 

Chị Trần Thị Minh Đức, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
 
Chị Trần Thị Minh Đức, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội nói: Hiện nay nhiều app quá nên đôi lúc tôi không biết dùng cái nào cho hợp lý. Có những cái tải về tôi không dùng gây lãng phí bộ nhớ máy. Nếu tích hợp vào 1 ứng dụng thì quá tốt cho người dùng.

 
 
Trước đó, ngay khi dịch bùng phát tại nước ta, để đáp ứng nhanh nhu cầu chống dịch, mỗi đơn vị đã đảm nhận phát triển một ứng dụng cho những nhiệm vụ đặc thù. Hiện tại, nếu gộp các ứng dụng thành một sẽ mâu thuẫn về nguyên tắc thiết kế đồng thời các nhà phát triển phải điều chỉnh lại hệ thống, hạ tầng rất nhiều, do đó, giải pháp phù hợp hơn là tích hợp, liên thông dữ liệu. Trung tâm công nghệ phòng chống Covid -19 quốc gia của Cục Tin học hoá là đơn vị thực hiện nhiệm vụ này.

 

Ông Đỗ Công Anh, Cục trưởng Cục Tin học hóa
 
Ông Đỗ Công Anh, Cục trưởng Cục Tin học hóa cho biết: Cục tin học hóa là đầu mối của Bộ Thông tin và Truyền thông đứng ra tập hợp các lực lượng này lại, hợp nhất các lực lượng, tạo thành 1 nền tảng kết nối liên thông lại thì dữ liệu này không chỉ phục vụ vấn đề quản lý mà còn phục vụ phân tích xử lý và dự báo tình hình dịch bệnh trên toàn quốc.

 
 
Việc tích hợp dữ liệu giữa các ứng dụng đã bắt đầu được triển khai từ cuối tháng 5 và đang trong quá trình hoàn thiện. Khi đó, người dân chỉ cần cài 1 app bất kỳ trong số các ứng dụng được khuyến nghị thì sẽ có 1 mã QR. Mã này có độ bảo mật cao và được phân quyền quản lý nhằm đảm bảo thông tin cá nhân của mỗi người dân luôn được riêng tư.

 

Ông Nguyễn Trường Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế
 
Ông Nguyễn Trường Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế nói: Một người dân 1 mã QR, mã này sẽ liên thông với toàn bộ dữ liệu của các ứng dụng phòng chống dịch, từ check-in, khai báo y tế, xét nghiệm, tiêm chủng và tiến tới là công tác khám chữa bệnh.

 
 
Hiện nay, quy định về nền tảng công nghệ bắt buộc dùng chung trên toàn quốc cũng đã có. Do đó, cần đẩy nhanh tiến độ tích hợp, liên thông dữ liệu đồng thời các bộ ban ngành địa phương cần tuân thủ, triển khai đồng bộ, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm, loạn app gây lãng phí tài nguyên, khó khăn cho người dùng./.


 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng