Tin tức

ĐI TỪNG NGÕ, GÕ TỪNG NHÀ, PHÁT QUÀ

Thứ sáu, 13/08/2021 - 17:01

Dịch bệnh đánh vào tất cả mọi người lao động, không chừa một ai, nhưng những người bị đánh nặng nhất, xác xơ nhất chính là những người lao động tự do. Ở TP. Hồ Chí Minh, đã xuất hiện một mô hình trợ giúp những người lâm hoàn cảnh khốn khó, với khẩu hiệu: “ Đi từng ngõ, gõ từng nhà, phát quà”. Xin giới thiệu bài viết của nhà thơ Thanh Thảo.



Dịch bệnh đánh vào tất cả mọi người lao động. 
 
Với những người lao động tự do, cứ “ráo mồ hôi là hết tiền”, thì điều đáng sợ nhất với họ là không có việc làm trong mùa dịch. Những người phải ở những nhà trọ chật chội, rẻ tiền, mọi chi phí trông cả vào tiền lương trả cho lao động công nhật, thì nghỉ ngày nào khổ ngày đó. Vậy mà bây giờ phải nghỉ hàng tháng, thậm chí, hàng mấy tháng trời, thì đó là điều họ không thể tưởng tượng ra, nhưng phải chịu.

Dịch bệnh đánh vào tất cả mọi người lao động, không chừa một ai, nhưng những người bị đánh nặng nhất, xác xơ nhất chính là những người lao động tự do.

Lao động tự do gồm rất nhiều nghề khác nhau, trong đó có những nghề rất “nhạy cảm” với tình trạng dịch bệnh ở địa phương mình cư trú. Trong khi có nghề vẫn lai rai sống được, vì có việc làm, tuy rất hạn chế, thì nhiều nghề lao động tự do khác không thể hoạt động được khi địa phương phải giãn cách xã hội. Những nghề này cũng không thể thực hiện công việc bằng cách trực tuyến (online), nên đã nằm trong vùng phủ sóng của dịch bệnh là phải nghỉ, nói như những người lao động tự do là “phải thảnh thơi”. Chưa bao giờ, trạng thái “thảnh thơi” lại…hết hơi, lại đáng sợ như thế với những người lao động tự do bị mất việc làm. 

 

Đi từng ngõ, gõ từng nhà, phát quà.

Ở TP HCM, đã xuất hiện một mô hình trợ giúp những người lâm hoàn cảnh khốn khó, với khẩu hiệu: “ Đi từng ngõ, gõ từng nhà, phát quà”. Dù là quà được phát từ các đơn vị quân đội, từ Mặt trận tổ quốc, hay từ các nhóm hoạt động thiện nguyện, thì hình thức phát quà này, trước hết, đạt hiệu quả từ hai phía: Phía chính quyền cơ sở nhờ nắm được hết những hoàn cảnh cần trợ giúp trong địa bàn mình phụ trách, lập được danh sách các hộ hay các cá nhân cần được trợ giúp, và phía những tổ chức hay những nhóm những cá nhân trợ giúp phải cùng đại diện chính quyền “đi từng ngõ, gõ từng nhà” các đối tượng cần được trợ giúp để trực tiếp phát quà. Từ hai phía là chính quyền và nhà tài trợ đầy trách nhiệm như thế, thì phía thứ ba được hưởng lợi chính là những hộ hay cá nhân được trợ giúp. Họ không cần phải kêu lên, phải xếp hàng mới được trợ giúp kèm…chụp ảnh. Họ cứ ở nhà, nhà họ hay nhà trọ, và sẽ có chính quyền và những tổ chức và cá nhân hảo tâm tìm đến với họ, hiểu sâu hoàn cảnh thực tế của họ, và tặng họ những món quà rất thiết yếu đối với họ.

“Của cho không bằng cách cho”, đó là điều cuối cùng khiến tất cả các phía đều vui vẻ, đều hài lòng, đều cảm thấy công sức mình bỏ ra không vô ích, cũng như sự ghi nhận của người được trợ giúp thật sự là tình cảm, chân thành.

Vâng, sự chân thành phải đến từ cả ba phía như thế, thì món quà dù ít dù nhiều, dù lớn dù nhỏ mới thực sự trở nên quí giá, vì nó xuất phát từ tình cảm, từ chân tâm.

Cách làm như thế của TP HCM thực sự rất nhân văn, và đáng cho các địa phương khác học tập, trong tình trạng cả nước đều căng mình chống dịch như thế này.  

 
Thanh Thảo
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng