Tin tức

Mất danh hiệu di sản – Đừng “mất bò mới lo làm chuồng”

Thứ năm, 24/06/2021 - 12:30

Sau khi được UNESCO vinh danh ở tầm thế giới, các di sản đều có được sức sống mới, thu hút nhiều sự quan tâm cũng như tạo nguồn lợi không nhỏ từ du lịch cho các quốc gia. Thế nhưng, có công nhận thì cũng có thu hồi. Không ít di sản ngày nay đang nằm trong diện bị UNESCO xem xét đưa ra khỏi danh sách “Di sản Thế giới” hoặc liệt vào danh sách “Di sản Thế giới bị đe dọa”. Đây được coi là lời nhắc nhở cho các địa phương sở hữu di sản trên khắp thế giới, bao gổm cả các nước khu vực Đông Nam Á. Nơi mà tình trạng xâm hại di tích vẫn đang diễn ra phức tạp. Trong báo cáo mới đây nhất, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã đưa ra một danh sách các địa điểm có nguy cơ bị xóa khỏi danh sách Di sản thế giới. Lý do là sự phát triển đô thị hiện đại và du lịch quá mức gây ảnh hưởng tới tính toàn vẹn của hiện trạng di sản. Điều này tạo áp lực không nhỏ, buộc các quốc gia sở hữu di sản phải có những hành động quyết liệt hơn.



Du thuyền MSC Orchestra lần đầu cập cảng sau thời gian vắng bóng vì Covid-19.
 
Người dân thành phố Venice của Italy ngày 3/6 bất ngờ khi thấy du thuyền MSC Orchestra lần đầu cập cảng sau thời gian vắng bóng vì Covid-19. Sự việc này vấp phải phản ứng dữ dội của người dân. Hàng trăm người dân lập tức tụ tập biểu tình trên bờ.

Cô Marta Sottorive – Người dân Venice, nói: “Bất chấp lệnh cấm của chính phủ, những con tàu cỡ lớn vẫn xuất hiện ở đây. Chúng tôi phản đối việc này. Venice đang bị phá hủy vì loại hình du lịch này.”

Du thuyền luôn là tâm điểm gây tranh cãi tại Venice. Những người phản đối cho rằng chúng phá hoại khu đầm phá và làm xói mòn nền móng của các tòa nhà .
Không thể phủ nhận các du thuyển siêu lớn mang đến cho Venice lợi nhuận và hàng nghìn việc làm.

Ông Nicola Venturini – Thành viên hội đồng thành phố, nói: “Khách tàu biển chi tiêu nhiều và ở lại Venice lâu hơn. Du lịch tàu biển chiếm 3,2% tổng sản phẩm của thành phố. Rất nhiều người phụ thuộc vào lĩnh vực này.”

 

Du lịch tàu biển chiếm 3,2% tổng sản phẩm của thành phố.
 
Dù sao thì cũng đã đến lúc Italy cần phải mạnh tay. Du thuyền, sự phát triển nóng và quản lý kém đang tác động tiêu cực đến thành phố. Đến mức UNESCO đã phải tuyên bố là sẽ xem xét đưa Venice vào danh sách nguy cấp.

Có nghĩa là Venice có nguy cơ ra khỏi danh sách “Di sản Thế giới”.

Ông Dario Franceschini - Bộ trưởng Văn hóa Italy, nói: “Việc đưa Venice vào danh sách nguy cấp là một vấn đề nghiêm trọng. Cần ngay lập tức cấm các du thuyền đi vào kênh Giudecca”.

 Tại Italy, nhiều sáng kiến đã được đưa ra, như sử dụng “thuyền bay” để hạn chế tình trạng xói mòn nền móng công trình do nước dâng trên các kênh đào.

Cô Maria Rohman – Công ty sản xuất tàu Candela, chia sẻ: “Thử nghiệm ban đầu của chúng tôi cho thấy con tàu có thể giảm tới 95% lực sóng tác động tới các móng công trình.”

Dẫu vậy, đây vẫn chỉ là giải pháp tạm thời.
"Các lệnh cấm du thuyền trên 40.000 tấn vào các đầm phá tại Venice không có tác dụng thực tế... Cần cấm hoàn toàn những con tàu cỡ lớn, bằng việc chuyển hướng tới những cảng phù hợp hơn". Đó là điều UNESCO khuyến nghị.

Không chỉ riêng Venice, UNESCO cũng đề xuất các địa điểm - điển hình như rạn san hô Great Barrier ở Australia; thành phố Budapest của Hungary; thung lũng Kathmandu ở Nepal cùng một số địa danh khác - vào danh sách “Di sản Thế giới bị đe dọa”. Mất đi danh hiệu di sản đồng nghĩa với việc mất đi sự công nhận về những giá trị văn hóa, khoa học, lịch sử. Và cũng có nghĩa là mất đi nguồn lợi kinh tế. Nguy cơ mất cả chì lẫn chài là khá rõ ràng.

 

Rạn san hô Great Barrier ở Australia.

Bài toán đặt ra là không mới, nhưng cũng luôn mang tính thời sự. Đó là làm thế nào để cân bằng giữa trách nhiệm bảo vệ di sản với khai thác lợi ích từ chính di sản đó. Trở lại với câu chuyện của Venice, giới chức địa phương cần nhìn ra trông rộng. Đừng để mất bò mới lo làm chuồng./.
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng