Tin tức

Các địa danh mang dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hong Kong (Trung Quốc)

Thứ năm, 03/06/2021 - 11:59

Sự nghiệp vẻ vang và vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, được nhiều người trên khắp thế giới ngưỡng mộ. Nhưng không hẳn đã nhiều người biết rõ về những gian truân mà Người từng trải qua trong 3 năm ở Hong Kong, Trung Quốc. Đây cũng là sự kiện đáng nhớ trong sự nghiệp hoạt động cách mạng của Người. Nhân kỷ niệm 110 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước (05/6/1911- 05/6/2021), phóng viên thường trú tại Hong Kong (Trung Quốc) đã đi tìm hiểu các địa điểm từng ghi dấu hoạt động của Bác.



Công viên Tống Vương Đài-địa danh lịch sử ghi dấu nhiều hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh
 
Nhân kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (05/6/1911- 05/6/2021), chúng tôi đã tìm đến các địa điểm tại Hong Kong, trong đó có công viên Tống Vương Đài-địa danh lịch sử ghi dấu nhiều hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm đầu thập niên 30 thế kỷ trước và cũng chính là nơi chứng kiến Hội nghị thành lập Đảng ta cách đây 91 năm và có cuộc trò chuyện với ông Lý Minh Hán-nhà nghiên cứu Chủ tịch Hồ Chí Minh để tìm hiểu rõ hơn về các địa danh này.

Ông Lý Minh Hán cho biết hiện nay Hong Kong và Tống Vương Đài đã có nhiều thay đổi. Tống Vương Đài ban đầu tọa lạc trên một ngọn đồi nhỏ được gọi là “Núi thiêng” bên bờ biển. Ngày 9/10/1930, tức là ngày 18/8 âm lịch, Hội nghị Trung ương lần thứ nhất Đảng Cộng sản Đông Dương đã được khai mạc ở Tống Vương Đài bên bờ biển đối diện với Miếu Hầu Vương Cửu Long vào đúng kỷ niệm ngày sinh của “Hầu Vương” nhằm lợi dụng sự đông đúc, nhộn nhịp để phân tán sự chú ý của đặc vụ.

Sau khi triệu tập và chủ trì thành công Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc với tên gọi Tống Văn Sơ tiếp tục ở lại Hong Kong, hoạt động cách mạng. Người ở tại ngôi nhà 186 phố Tam Kung, Cửu Long và nơi này trở thành trụ sở liên lạc bí mật giữa Tống Văn Sơ và một số đồng chí khác. Ngày 6/6/1931 Tống Văn Sơ đã bị nhà cầm quyền Hong Kong bắt tại tầng 2 của ngôi nhà này. Nằm trong khu phố của những người lao động nghèo, nhà số 186 Tam Kung đã là nơi ở bí mật của Nguyễn Ái Quốc và là cơ sở bí mật của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên ở Hong Kong. Hiện nay, Phố Tam Kung vẫn còn nhưng nhà số 186 không còn nữa vì ở vị trí này chính quyền Hong Kong đã phá một đoạn phố để mở đại lộ Olympic.

 

Ngôi nhà 186 phố Tam Kung, Cửu Long -trụ sở liên lạc bí mật giữa Tống Văn Sơ và một số đồng chí.

Trường Cao đẳng Hoa Nhân thuộc bán đảo Cửu Long, theo nhà nghiên cứu Lý Minh Hán, ít người biết rằng đây cũng chính là một trong những địa điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí thường hay lui tới để bàn bạc tiến hành Đại hội thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nhà tù Victoria ở số 16 phố Old Bailey trên đảo Hong Kong cũng từng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh bị bắt giam từ tháng 6/1931 đến tháng 7/1932, Hiện nhà tù Victoria tại Hong Kong đã được cải tạo và trở thành điểm tham quan du lịch.

Ngoài ra, Ký túc xá Hội Thanh niên Cơ đốc giáo Trung Hoa (YMCA), cũng từng là nơi Nguyễn Ái Quốc lánh tạm để tránh sự theo dõi của mật thám Anh sau khi ra khỏi tù, do điều kiện sức khỏe chưa thể rời Hong Kong.

Với nhà nghiên cứu Lý Minh Hán, các địa điểm này không những mang nhiều kỷ niệm và dấu  ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Người ở Hong Kong, mà còn trở thành di sản tinh thần vô giá gắn kết quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Trung Quốc.

 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng