Tin tức

Khủng hoảng thừa điện do phát triển ồ ạt

Thứ bảy, 29/05/2021 - 12:00

Thời gian qua, việc ồ ạt phát triển các dự án điện mặt trời trong điều kiện hạ tầng truyền tải điện không đáp ứng kịp dẫn đến khủng hoảng thừa điện năng. Tính đến hết ngày 31/12/2020, tỉnh Gia Lai đã có hơn 3.200 hệ thống điện mặt trời mái nhà được đấu nối phát điện lên lưới với tổng công suất hơn 600 MWp. Để đảm bảo an toàn, an ninh hệ thống điện, Điện lực Gia Lai bắt buộc phải điều tiết cắt giảm luân phiên công suất phát của các hệ thống điện mặt trời gây lãng phí nguồn lực, cũng như tạo ra sự bất bình đẳng trong các nhà đầu tư.


Việc ồ ạt phát triển các dự án điện mặt trời dẫn đến khủng hoảng thừa điện năng.
 
Sau một thời gian các dự án điện mặt trời ồ ạt đi vào hoạt động, những bất cập đã bắt đầu lộ diện. Ngoài những vấn đề sai phạm về hồ sơ, thủ tục, mục đích hoạt động của các dự án, sản lượng điện tăng đột biến cũng gây quá tải cục bộ, đặc biệt là lưới điện truyền tải liên kết miền ở một số thời điểm. Điều này bắt buộc ngành điện phải điều tiết cắt giảm luân phiên khiến mâu thuẫn nảy sinh giữa các nhà đầu tư hoạt động đúng cam kết với các nhà đầu tư lách chính sách để hưởng lợi.    

Bà Trần Thị Diễm, Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàng Ly, Gia Lai, nói: Theo chủ trương của Thủ tướng Chính Phủ, chúng tôi đã đầu tư rất nghiêm túc và bài bản, từ phần trang trại bên dưới đến áp mái điện phía trên. Chính vì thế, việc đầu tư của chúng tôi có giá trị rất lớn, lớn hơn so với các đơn vị đầu tư theo mục đích chỉ là điện thôi, không có phần trang trại bên dưới hoặc là không nghiêm túc trong việc đầu tư trang trại sản xuất. Tôi thấy rất bất công cho Doanh nghiệp chúng tôi vì chúng tôi đầu tư một nguồn tài chính lớn hơn mà hoạt động cắt điện lại phân bổ đều, dẫn đến chúng tôi sẽ chậm thu hồi vốn, và thiệt hại hơn về phần phát điện.

Ông Võ Ngọc Quý, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Gia Lai, nói: Sau khi có Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ, trên địa bàn tỉnh đã đấu nối phát điện 3.248 hệ thống điện mặt trời với tổng công suất 603,8 MWp. Công suất này đã góp phần đáp ứng nhu cầu sử dụng điện tại chỗ của địa phương và phần thừa được phát lên hệ thống lưới điện quốc gia góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng điện. Tuy nhiên, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch covid-19 nên nền kinh tế phát triển chậm lại, theo đó nhu cầu sử dụng điện giảm thấp dẫn đến một số thời điểm hệ thống thừa công suất và gây quá tải cục bộ một số lưới điện đặc biệt là lưới điện liên kết miền. Những thời điểm phụ tải giảm cực thấp như dịp lễ, tết, buổi trưa, do đó Bộ Công thương đã có văn bản chỉ đạo khẩn cấp trong trường hợp thừa công suất cần phải tiết giảm hệ thống điện mặt trời.

 

Một hệ lụy của việc phát triện điện mặt trời ồ ạt là việc cắt giảm điện trong thời gian qua, gây lãng phí nguồn lực của xã hội.

Hiện nay, điện mặt trời mái nhà không chỉ nhận được sự hưởng ứng của người dân để phục vụ cuộc sống mà còn hấp dẫn các nhà đầu tư, bởi giá mua điện khá cao và được áp dụng trong 20 năm mà không cần bổ sung dự án vào quy hoạch điện. Do đó, nhiều nhà đầu tư đã bất chấp lách luật bằng việc núp bóng các dự án nông nghiệp để chạy đua đóng điện trước ngày 31/12/2020 nhằm hưởng lợi.

Ông Phạm Văn Binh, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai, cho biết:Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 400 hệ thống điện mặt trời mái nhà theo mô hình trang trại. Do phát triển một cách quá nhanh và ồ ạt đã để lại một số hệ lụy rất cơ bản. Trong đó, do tranh thủ chính sách đến 31/12/2020 để hưởng ưu đãi nên nhiều nhà đầu tư chỉ chú trọng xây dựng phần điện mái nhà để kịp thời đấu nối điện, còn mục tiêu của trang trại thì chưa đạt được tiêu chí. Một hệ lụy nữa là việc phát triện điện mặt trời ồ ạt dẫn đến việc cắt giảm điện trong thời gian qua vừa gây lãng phí nguồn lực của xã hội vừa tạo tranh chấp giữa nhà đầu tư trước với nhà đầu tư sau.

Gia Lai được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển điện năng lượng mặt trời nhờ số giờ nắng trung bình cao (1.900-2.200 giờ/năm) và bức xạ tốt (khoảng 4,8 – 5,2 kWh/m2/ngày). Chính vì thế, Gia Lai hiện đang là địa phương điển hình về sự gia tăng đột biến các dự án điện mặt trời mái nhà, đặc biệt là hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt trên các trang trại nông nghiệp. Việc định hướng phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo phù hợp với thế mạnh của địa phương và là hướng đi hợp lý nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất, tối ưu hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên để các dự án điện mặt trời phát triển bền vững, đúng tiếu chí và tạo sự cạnh tranh công bằng, tỉnh Gia Lai cần sớm chấn chỉnh nghiêm việc lợi dụng chính sách để hưởng ưu đãi của các nhà đầu tư.
 
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng