Tin tức

Miễn dịch cộng đồng, bài học “xương máu từ Ấn Độ”

Thứ bảy, 08/05/2021 - 08:31

Ấn Độ, nơi có thể được gọi là tâm của cơn bão COVID-19 vào thời điểm này, khi số ca tử vong liên tục tăng cao. Vậy mà chỉ vài tháng trước thôi, nơi này từng được xem là điển hình trong phòng chống dịch với số ca nhiễm giảm mạnh. Khi đó thì nhiều người vẫn tự hỏi, vì sao Ấn Độ lại có thể đi ngược với xu hướng tăng mạnh trên toàn cầu như vậy? Có ý kiến còn mạnh dạn cho rằng có thể nước này đã đạt được miễn dịch cộng đồng một cách tự nhiên. Thậm chí, một nghiên cứu do chính phủ tiến hành còn cho rằng đất nước này thực sự đã đạt được miễn dịch cộng đồng.

 

Miễn dịch cộng đồng, bài học “xương máu từ Ấn Độ”
 
Nhưng thực tế, đây lại là bằng chứng về một trong những tính toán sai lầm chết người nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện đến nay. Hệ thống Y tế Ấn Độ đã thực sự phải trả giá cho sự bất cẩn của các đám đông. Hàng trăm nghìn ca mắc mới COVID-19. Hàng nghìn trường hợp tử vong. Đó là thống kê tính theo ngày ở Ấn Độ. Sự tạm lắng của COVID-19 dường như chỉ là khoảng lặng trước cơn bão lớn. Người dân lơ là, chủ quan và chẳng ngần ngại, tham gia đủ các hoạt động từ diễu hành bầu cử cho đến các lễ hội tôn giáo. Đó thực sự là sai lầm. Và cái giá phải trả là quá đắt.
 

Ông K Srinath Reddy, Chủ tịch Quỹ Y tế Công cộng tại Ấn Độ
 
Ông K Srinath Reddy, Chủ tịch Quỹ Y tế Công cộng tại Ấn Độ cho rằng: “Tình hình hồi tháng 1 đã bị hiểu sai thành chúng tôi đã đạt được miễn dịch cộng đồng và không có khả năng xuất hiện đợt dịch thứ hai. Ấn Độ bước vào chế độ ăn mừng toàn diện. Và virus đã cùng con người đến ăn mừng với các đám đông”.
 
Với dân số trẻ, tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở Ấn Độ được cho là sẽ thấp hơn các quốc gia khác. Nhưng những con số chính thức trong làn sóng đầu tiên lại thấp một cách đáng ngạc nhiên. Bất chấp những cảnh báo được đưa ra hồi tháng 11 bởi một ủy ban quốc hội của Ấn Độ rằng số giường tại các bệnh viện của chính phủ “ít một cách khủng khiếp”, bốn bệnh viện dã chiến ở thủ đô đã được dỡ bỏ, cùng với một bệnh viện có 800 giường ở Pune và một cơ sở điều trị COVID-19 ở bang Assam.

 

Bà Sujatha Rao, cựu thư ký của Bộ y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Độ
 
Bà Sujatha Rao, cựu thư ký của Bộ y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Độ cho biết: “Chúng tôi đã có cơ hội rất lớn để thực sự chuẩn bị cho chính mình. Thời gian đáng lẽ đã được sử dụng cho cách tiếp cận mang tính tập trung cao độ để tăng quy mô sẵn sàng cho làn sóng thứ hai. Nhưng chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi đã vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất và đã kiểm soát được tình hình”.

 
 
Niềm tin rằng Ấn Độ có thể đã loại bỏ được COVID-19 một cách triệt để cũng từng được một số nhà khoa học ủng hộ. Các thành viên của một ủy ban do chính phủ thành lập từng công bố một nghiên cứu hồi tháng 9 năm ngoái, khẳng định rằng mô hình của họ cho thấy Ấn Độ có thể đã đạt được miễn dịch cộng đồng. Một số bài báo cũng đăng các lập luận tương tự. Vô hình dung tạo ra một tâm lý chủ quan.

 

Giáo sư Gautam Menon, Đại học Ashoka
 
Giáo sư Gautam Menon, Đại học Ashoka nói: “Ý tưởng rằng Ấn Độ đã đạt được miễn dịch cộng đồng, rằng chúng tôi chỉ cần cẩn thận và có thể xóa sổ virus vào tháng Hai, cùng giả định ngầm rằng người Ấn Độ là “ngoại lệ” trong đó những người nhiễm bệnh không biểu hiện triệu chứng là do tiếp xúc di truyền hoặc tiếp xúc trước đó, tất cả đều sai lầm”.
 
Miễn dịch cộng đồng là khái niệm về khả năng một căn bệnh ngừng lây lan khi đạt đủ mức độ miễn dịch cần thiết trong dân chúng. Khái niệm này thoạt nghe thì khá hấp dẫn. Nhưng chỉ là về mặt lý thuyết. Nhưng thực tế là biến chủng mới của Sars-CoV-2 đã khiến Ấn Độ choáng váng khi nó quay trở lại đầy bất ngờ.

 

Ông Hans Kluge, Người đứng đầu Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu Âu 
 
Ông Hans Kluge, Người đứng đầu Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu Âu cảnh báo: "Phải nhận thức được tình trạng ở Ấn Độ có thể xảy ra ở bất kỳ đâu. Việc nới lỏng các biện pháp phòng dịch Covid-19 có thể gây ra một "cơn bão hoàn hảo", đẩy số ca nhiễm lên cao chóng mặt".

 
 
Theo các nhà khoa học và chuyên gia y tế tại Ấn Độ, số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 đang tăng mạnh vì một số nguyên nhân, như: Cơ sở vật chất nghèo nàn, ý thức kém của người dân và quy trình xét nghiệm lỏng lẻo. Một phần nguyên nhân của làn sóng lây nhiễm hiện nay ở Ấn Độ được các chuyên gia nhận định là do các cuộc tụ tập đông người, gồm các cuộc vận động chính trị và lễ hội. Bài học Ấn Độ thật đau thương nhưng nó cũng vô cùng giá trị để các quốc gia hiểu được cách đương đầu với đại dịch nguy hiểm nhất của loài người - Covid-19./.

Xem video:

 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng