Tin tức

Áo dài Việt Nam và câu chuyện chủ quyền

Thứ hai, 08/03/2021 - 06:40

Áo dài từ lâu đã là trang phục truyền thống và là nét văn hóa đặc trưng của Việt Nam. Trải qua nhiều thời kỳ phát triển, áo dài luôn không ngừng biến đổi nhưng vẫn đảm bảo tính truyền thống, góp phần tôn lên vẻ đẹp thanh lịch, dịu dàng của người phụ nữ Việt Nam. Mặc dù vậy, áo dài vẫn chưa được ghi danh vào danh sách di sản văn hóa của Việt Nam. Trong khi đó, ghi danh áo dài thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là bước quan trọng, là nền tảng để xây dựng hồ sơ áo dài trình UNESCO theo Công ước 2003. Ý tưởng này không mới, nhưng gần đây càng trở nên bức thiết hơn khi những năm qua từng xảy ra sự việc nhà thiết kế nước ngoài sao chép thiết kế áo dài của Việt Nam hay ngộ nhận bản quyền với tà áo dài.


Đại sứ Nguyễn Phương Nga tặng 2 chiếc áo dài cho Bảo tàng phụ nữ Việt Nam. 
 
Để góp phần tôn vinh giá trị của áo dài, cùng với 18 nhà thiết kế áo dài trên cả nước, Đại sứ Nguyễn Phương Nga đã tặng 2 chiếc áo dài mà bà đã mặc trong sự kiện ngoại giao quan trọng cho Bảo tàng phụ nữ Việt Nam. Với bà, mặc dù chưa được ghi danh nhưng áo dài đã trở thành hồn cốt dân tộc tại bất cứ nơi đâu.

Đại sứ Nguyễn Phương Nga – Đại sứ Việt Nam tại Liên hợp quốc 2014-2018, nói:  Xứng đáng được tôn vinh là di sản văn hóa của nhân loại vì áo dài đại diện cho các giá trị truyền thống của Việt Nam và thể hiện nghệ thuật của các nghệ nhân Việt Nam.

Xác định tính cấp thiết của việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản áo dài, những năm qua, ngành Văn hóa đã chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành tích cực đẩy mạnh công tác sưu tầm, nghiên cứu, sáng tạo, thiết kế trang phục áo dài cũng như tuyên truyền, quảng bá áo dài. Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, việc cần thiết hiện nay là công nhận áo dài là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tiến tới đệ trình ghi danh tại Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, cho biết: trước hết phải vinh danh cấp quốc gia, trên cơ sở các địa phương thực hiện hồ sơ, sau đó sẽ cùng nhau phối hợp tạo hồ sơ chung cho cả nước. Khi tạo hồ sơ chung cho cả nước thì chắc chắn việc tôn vinh hồ sơ tầm UNESCO không phải 1 địa phương riêng lẻ mà là văn hóa chung của cả nước.

Dù chưa có gì chính thức nhưng lâu nay trang phục áo dài rất quen thuộc với phụ nữ Việt Nam và được xem như quốc phục của Việt Nam. Các nhà thiết kế đang đầu tư thời gian và tâm sức để làm chiếc áo dài đẹp hơn, hiện đại, gần gũi hơn với đời sống…  Từng người dân đang góp phần dấy lên niềm tự hào dân tộc với chiếc áo dài khi mặc thường xuyên hơn…

 

Áo dài được xem như quốc phục của Việt Nam.
 
Nhà thiết kế Lan Hương, chia sẻ: câu chuyện chính thống còn nhiều yếu tố chuẩn bị liên quan đến hồ sơ, tôi nghĩ rằng sự chung tay của cộng đồng cũng chính là tác động mạnh mẽ cho hồ sơ trong đời sống thực tại của Việt Nam. Bên cạnh đó hồ sơ cũng yêu cầu nhiều các nghệ nhân áo dài để minh chứng rằng áo dài Việt Nam phát triển có hệ thống và đi sâu vào đời sống của Việt Nam.

Cần làm hồ sơ di sản cho áo dài để chính thức được ghi danh ở cấp quốc qua và thế giới. Bởi dù người dân trong nước, cộng đồng kiều bào hay quốc tế có thừa nhận áo dài của người Việt cũng chỉ là truyền miệng. Vì vậy, áo dài cần có văn bản mang tính pháp lý để làm cơ sở bảo vệ chủ quyền văn hóa Việt./.

 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng