Tin tức

Doanh nghiệp dệt may sớm tăng tốc

Thứ hai, 01/03/2021 - 15:08

Ở thời điểm này năm ngoái ngành dệt may Việt Nam gặp phải không ít trở ngại bởi sự đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch bệnh thì tới nay ngành này đã cho thấy sự phục hồi rõ rệt khi kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm tăng trưởng dương. Ngay sau kỳ nghỉ Tết, các doanh nghiệp dệt may đã sớm tăng tốc, vừa thực hiện “mục tiêu kép”, vừa hướng tới mục tiêu thắng lợi cho ngành dệt may trong năm 2021 này.

 

Doanh nghiệp dệt may sớm tăng tốc
 
Ngay sau kỳ nghỉ Tết Tân Sửu, nhà máy với 1.200 công nhân này của VitaJean – thương hiệu may mặc hàng đầu Việt Nam đã chạy gần như hết công suất để kịp đơn hàng cho quý I và chuẩn bị cho cả quý II. Với năng lực sản xuất trung bình 8.000.000 đến 10.000.000 sản phẩm/năm, sau thời gian nửa đầu năm 2020 lao đao vì ảnh hưởng dịch Covid-19, VitaJean đã dần phục hồi sản xuất kinh doanh, khi các thị trường xuất khẩu chính là EU và Mỹ vẫn có nhu cầu rất cao.
 

Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean
 
Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean, nói: Chúng tôi bắt đầu vào sản xuất từ ngày 6 âm, chúng tôi đang làm rất chi là tốt, lực lượng công nhân vào đã 95%, còn lại do dịch chưa vào, không khí làm việc tốt, kế hoạch sẽ cố gắng đạt kế hoạch đầu năm/lượng hàng hóa chúng tôi đã chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất đến tháng 6”. Kinh nghiệm một năm ứng phó với Covid-19 đã giúp nhiều doanh nghiệp dệt may đến nay trụ vững, ít gặp phải tình trạng đứt gãy sản xuất.

 
 
Với việc nhu cầu của thế giới tăng trở lại, nhiều đơn hàng dệt may toàn cầu đang có xu hướng dịch chuyển vào Việt Nam, là cơ hội để ngành dệt may tiếp tục đà phục hồi trong năm nay. Đây chính là lúc để các doanh nghiệp dệt may vừa phục hồi, vừa tái cơ cấu sản xuất, đầu tư hoàn thiện chuỗi giá trị dệt may.

 

Ông Trần Văn Quy, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Trung Quy Group
 
Ông Trần Văn Quy, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Trung Quy Group, cho biết: ”Với chuỗi khép kín dệt nhuộm hoàn tất với nguồn sợi từ Việt Nam tôi nghĩ sẽ đáp ứng các tiêu chuẩn về hàng hóa để phục vụ các FTA VN ký với các nước, tạo ra những nguồn nguyên liêu đạt chuẩn quốc tế cung cấp cho các đơn vị dệt may để xuất khẩu đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của các thị trường khó tính”.

 
 
Hiện khâu yếu nhất của ngành dệt may là nguyên liệu. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, trong năm 2021 này nhiều nhà máy vải sợi vốn đầu tư nước ngoài sẽ đi vào vận hành, khả năng có thể đáp ứng 40-50% nhu cầu vải tại chỗ, thay vì 15% như trước đây. Những bước chuyển mình tích cực của ngành dệt may là cơ sở để hướng tới mục tiêu xuất khẩu đạt 39 tỷ USD.

 
 
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch hội Dệt may Việt Nam, nói: ”Ước thực hiện của 2 tháng năm nay đạt xuất khẩu 5 tỷ 8 USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ 2020, là một nỗ lực rất lớn của Dệt may Việt Nam trong đó phải nói vai trò của cộng đồng các Doanh nghiệp. Trong cái khó họ tìm ra một lối đi riêng, đã đi theo sự đa dạng các dòng sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm mặc trong nhà, các đơn hàng tương đối tốt, ổn định cho sự phát triển của năm 2021”.

 
 
Đa dạng các dòng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu mới của thị trường thời đại dịch, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã thu hút được nhiều đơn hàng, ổn định sản xuất kinh doanh. Ngành dệt may đồng thời nỗ lực tăng tốc từ sớm để tận dụng cơ hội từ thị trường, từ việc nước ta cơ bản kiểm soát dịch bệnh, cho sự phát triển trong năm 2021./.

 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng