Tin tức

Chùa Ngũ Đài có vị trí quan trọng trong Phật giáo Trúc Lâm

Thứ năm, 14/01/2021 - 14:31

Vừa qua, tại thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương đã phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã tổ chức hội thảo báo cáo sơ bộ kết quả thăm dò, thám sát và khai quật khảo cổ học di tích chùa Ngũ Đài, phường Hoàng Tiến, thành phố Chí Linh. Hội thảo xác định: Chùa Ngũ Đài có vị trí quan trọng trong Phật giáo Trúc Lâm.

 

Chùa Ngũ Đài có vị trí quan trọng trong Phật giáo Trúc Lâm
 
Theo Lý lịch di tích và truyền tụng trong dân gian, chùa Ngũ Đài- Kim Quang tự nằm ở chân núi Đống Thóc, thuộc khu vực Ngũ Đài Sơn, phường Hoàng Tiến, thành phố Chí Linh do Thiền phái Trúc Lâm xây dựng dưới triều vua Trần Minh Tông, năm 1320 và trùng tu vào các thời Lê, Nguyễn.

Quá trình tiến hành thăm dò và khai quật tại Di tích chùa Ngũ Đài với diện tích hơn 1.200m2 đã xác định được 4 lớp kiến trúc thuộc 4 giai đoạn xây dựng, trùng tu và biến đổi của di tích. Kết quả khai quật cũng đã thu một lượng lớn các mảnh di vật gồm 7.668 tiêu bản có niên đại từ thời Trần, thời Lê sơ, thời Lê Trung hưng, thời Nguyễn và một số đồng tiền có niên đại từ thời Đường đến thời Minh (thế kỷ 9 - 15).

Đồng thời, đoàn khai quật đã mở rộng khảo sát và thám sát ở các khu vực xung quanh và đã phát hiện nhiều địa điểm có dấu tích của các công trình kiến trúc chùa, tháp có niên đại từ thời Trần đến thời Nguyễn tạo thành một quần thể chùa Phật rộng lớn, có mối quan hệ khăng khít với nhau. Kết quả khai quật cho thấy vào thời Trần, chùa Ngũ Đài là một trong những ngôi chùa thuộc Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm và có mối liên hệ mật thiết với hệ thống chùa ở Yên Tử, Quỳnh Lâm, Ngọa Vân (Quảng Ninh); Thanh Mai, Côn Sơn (Hải Dương) và Vĩnh Nghiêm, Mã Yên, Am Vãi, Khám Lạng (Bắc Giang), tạo thành một vùng “tam giác Phật Giáo Trúc Lâm Yên Tử” phát triển rực rỡ.

Thời gian tới, Hải Dương sẽ bổ sung, cập nhật tư liệu để hoàn thiện hồ sơ khoa học nhằm đảm bảo tính chính xác và toàn vẹn để phục vụ cho việc xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử tại 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và Bắc Giang thành Di văn văn hóa thế giới./.

 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng