Tin tức

Lai Châu gắn bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch

Thứ sáu, 18/12/2020 - 15:14

Là vùng đất có lịch sử văn hóa lâu đời, nơi hội tụ của 20 dân tộc cùng chung sống, mỗi đồng bào dân tộc đều có nét văn hóa đặc trưng riêng, tạo nên một bức tranh văn hóa muôn màu ở Lai Châu. Lai Châu luôn chú trọng việc bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch, góp phần tạo việc làm, thu nhập và cải thiện đời sống đồng bào dân tộc trên địa bàn.

 

Lai Châu gắn bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch
 
Bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ nằm ở độ cao gần 1.500m so với mực nước biển. Mùa này, cảnh sắc nơi đây thật rực rỡ với những cung đường uốn lượn quanh co sắc hoa Dã quỳ nhuộm vàng. Khung cảnh chợ phiên vùng cao Sin Suối Hồ không chỉ là nơi buôn bán, trao đổi hàng hóa thông thường mà còn là không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc trưng của đồng bào Mông nơi biên cương Tổ quốc.

Bà Giàng Thị Vang - Xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, Lai Châu, cho biết:“ Bán những đồ dùng, quần áo truyền thống của người Mông…” Cũng như các phiên chợ vùng cao, chợ Sin Suối Hồ được họp phiên vào thứ bảy hàng tuần. Người Mông bản Sin Suối Hồ đến nay vẫn giữ được nhiều nét văn hóa đặc trưng, từ trang phục truyền thống đến các món ăn ẩm thực.

Ông Vàng A Chỉnh - Trưởng bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, Phong Thổ, Lai Châu, nói: “Lúc đầu làm cho mình thôi nhưng sau du khách đến thấy độc đáo và rất thích nên xây dựng du lịch cộng đồng…”.

Đồng bào dân tộc Lự ở xã Bản Hon, một trong 16 dân tộc ít người ở nước ta. Toàn xã Bản Hon hiện có 535 hộ gia đình người Lự sinh sống, chiếm trên 91%. Những năm qua, nhiều lễ hội truyền thống như: Lễ cúng rừng, cúng cơm mới, cúng trâu, cùng các nghề truyền thống được giữ gìn, bảo tồn. Bản Thẳm, xã Bản Hon đã trở thành điểm du lịch cộng đồng độc đáo, hấp dẫn du khách.

Ông Đỗ Trọng Thi - Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Tam Đường, Lai Châu, nói:“Những năm qua, việc bảo tồn văn hóa của đồng bào dân tộc Lự đã được thực hiện tốt. Từ đó, đã mở ra hướng đi phát triển du lịch, góp phần nâng cao đời sống người dân”.

Xác định việc quản lý, bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ quan trọng, Lai Châu đã tổ chức 26 lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể các dân tộc và khóa tập huấn kỹ năng nghề du lịch; phục dựng, bảo tồn 16 lễ hội tiêu biểu và duy trì thường niên 40 lễ hội hàng năm. Đồng thời, tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái ở các tỉnh Lào Cai, Hòa Bình, Sơn La.

Chị Nguyễn Mai Hương – Thành phố Hà Nội, bộc bạch:“Bản ở biên giới lai Châu làm du lịch rất tốt, giữ gìn được bản sắc của đồng bào dân tộc. Tôi sẽ rủ bạn bè tham quan nhiều lần hơn nữa”.

Tỉnh Lai Châu đang tăng cường đổi mới nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch. Trong tháng 12 này tỉnh tổ chức các hoạt động như “Ngày văn hóa Lai Châu tại Hà Nội” diễn ra từ ngày 18 - 20/12; giải Dù lượn đường trường PuTaLeng mở rộng năm 2020 và hoạt động Khinh khí cầu tại huyện Tam Đường và thành phố Lai Châu diễn ra từ ngày 24 - 27/12/2020./.

 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng