Tin tức

Ký ức về chiến thắng Điện biên phủ trên không

Thứ sáu, 18/12/2020 - 08:59

Từ năm 1964 đến năm 1972, Miền Bắc Việt Nam đã phải trải qua hai đợt chiến tranh phá hoại của Không quân và Hải quân Mỹ. Dù phải đối đầu với những loại vũ khí hiện đại nhất của không lực Hoa Kỳ, thế trận chiến tranh nhân dân của Việt Nam một lần nữa chiến thắng, làm nên “Điện Biên Phủ trên không” lẫy lừng vào tháng 12/1972. Chiến tranh đã lùi xa nhưng ký ức về những ngày này 48 năm trước như vẫn còn nguyên vẹn trong lòng người dân Thủ đô, trong đó có những anh hùng, cựu phi công từng tham gia chiến đấu, bắn rơi máy bay Mỹ để bầu trời mãi xanh.

 

Ký ức về chiến thắng Điện biên phủ trên không
 
Liên tục trong 12 ngày đêm, từ 18/12 đến 30/12/1972, Mỹ thực hiện Chiến dịch, sử dụng lực lượng không quân chiến lược với máy bay B-52 làm nòng cốt, cùng hàng trăm máy bay khác ném bom rải thảm xuống thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng, Thái Nguyên và các mục tiêu khác ở miền Bắc Việt Nam.

Trong ký ức của Trung tướng Phạm Tuân, các phi công ngày đó trước khi xuất kích đánh B-52 hầu như xác định sẽ không trở về, không nghĩ đến khó khăn, gian khổ, hy sinh. Bởi họ được giao nhiệm vụ là nếu B 52 vào Hà Nội thì trong mọi tình huống, khí tượng xấu đến mấy cũng phải cất cánh để bảo vệ vùng trời Thủ đô. Đó là mệnh lệnh của người chiến sĩ.

Trung tướng, Anh hùng LLVT Phạm Tuân, kể: Chúng tôi đã tập luyện từ rất lâu rồi và xác định bắn B52 là rất khó khăn, gian khổ, sẵn sàng hy sinh đêm 18-12 tôi là 1 trong 2 phi công xuất kích đầu tiên, địch đánh vào Hà Nội thì chúng tôi gặp địch trước khi B52 đánh vào Hà  Nội, máy bay tôi hạ cánh lật ngửa trên sân bay, lúc đó chỉ nghĩ được giao nhiệm vụ là trong mọi tình huống dù xấu đến mấy làm sao không để 1 chiếc B52 nào lọt vào Hà Nội.

Với tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất, quân dân Việt Nam đã làm nên kỳ tích lịch sử “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” vang dội, thể hiện tầm cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam chỉ trong 12 ngày đêm. Trong số 81 máy bay của không lực Mỹ bị bắn rơi có tới 34 chiếc B52 bị quân dân các địa phương hạ gục. Những người lính bảo vệ bầu trời miền bắc năm xưa giờ đều ở tuổi xưa nay hiếm, gặp lại nhau hôm nay điều họ nhớ nhất không phải là những chiến công mà là nỗi nhớ đồng đội – những người đã mãi mãi không được chứng kiến niềm vui chiến thắng.

Trung tướng, Anh hùng LLVT Phạm Vũ Thái, chia sẻ: Nhiều thứ để nhớ và nhớ lại những kí ức  gian khổ những đồng đội, bạn bè đã hy sinh. Ít khi nhớ lại chiến công , mà nhớ đồng đội ước gì họ còn sống đến bây giờ.

Những ngày tháng 12 lịch sử, hình ảnh chiếc kẻng làm từ bom Mỹ, mũ rơm và hầm ẩn nấp máy bay Mỹ đang được tái hiện tại di tích Nhà tù Hỏa Lò. Những hình ảnh trải nghiệm thú vị này phần nào giúp các thế hệ đã trải qua thời chiến chạm lại ký ức của mình; đồng thời giúp thế hệ trẻ hôm nay cảm nhận được một thời khói lửa cha ông đã từng trải qua.

Bạn Phạm Thị Huyền Trang – Đại học Văn hóa Hà Nội, nói: Thông qua hệ thống âm thanh tôi thấy hiểu hơn về những sự khốc liệt của chiến tranh và tự hào các chiến sĩ năm xưa...

Chiến tranh đã lùi xa, những ký ức về chiến thắng Điện Biên Phủ trên không mãi là một mốc son trong lịch sử dân tộc. Đó cũng là những ký ức để lớp trẻ hôm nay thêm yêu, tự hào và nỗ lực để dựng xây đất nước./.

 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng