Tin tức

Công cuộc Phòng chống tham nhũng ngày càng quyết liệt, mạnh mẽ và hiệu quả

Thứ bảy, 12/12/2020 - 15:16

Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Phòng chống tham nhũng giai đoạn 2013 - 2020 nhấn mạnh kết quả công tác Phòng chống tham nhũng của nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng và từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng đến nay. Có thể nói, chưa khi nào, công tác Phòng chống tham nhũng lại được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, rõ rệt đến thế. Và quan trọng hơn, như lời Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói: đấu tranh Phòng chống tham nhũng đã trở thành phong trào, thành xu thế không ai có thể cưỡng lại được.

 

Công cuộc Phòng chống tham nhũng ngày càng quyết liệt, mạnh mẽ và hiệu quả 
 
Vụ án Mobiphone mua lại 95% cổ phần của AVG từ khi Ban chỉ đạo Trung ương yêu cầu thanh tra toàn diện, đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo thì chỉ trong một thời gian ngắn, vụ án đã nhanh chóng được đưa ra xét xử. Các cá nhân có sai phạm bị xử lý nghiêm, còn tài sản thất thoát thì được thu hồi gần như tuyệt đối. Đây chỉ là 1 trong những vụ việc tiêu biểu trong số 133 vụ án, 94 vụ việc nghiêm trọng được đưa ra ánh sáng trong nhiệm kỳ ĐH XII. 110 cán bộ diện Trung ương quản lý bị kỉ luật trong đó có 27 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương, 4 đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, 11 án tử hình cũng đã được tuyên liên quan tới tội danh tham nhũng.

Có thể nói, với sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, bài bản, toàn diện của Ban chỉ đạo TW, công tác Phòng chống tham nhũng thời gian qua đã đi vào chiều sâu và có bước tiến mạnh mẽ. Và việc lấy lại niềm tin, sự phấn khởi, đồng thuận của nhân dân chính là thước đo về hiệu quả trong công tác Phòng chống tham nhũng.

Bà Trần Thị Nhị - Quận Đống Đa, Hà Nội: ĐH XII đã làm được là xử những vụ án về kinh tế lớn với người có trọng trách cao, kể cả những người trong bộ Chính trị, không có vùng cấm, không có giới hạn, mà những vụ án đó được đưa ra xét xử một cách công khai trên phương tiện thông tin đại chúng cho toàn dân biết được. Những kì Đại hội trước cũng đưa ra Phòng chống tham nhũng nhưng có đưa ra nhưng không đạt được kết quả nhiều như trong nhiệm kì XII nên điều đó đã tạo ra niềm tin với nhân dân với tôi với đảng rất nhiều.

Ông Nguyễn Văn Huy – phường Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội: Không phải ở chỗ không chỉ những vụ tham nhũng được phát hiện xử lý một cách đầy đủ hơn, nghiêm khắc hơn, mà diện tham nhũng đảng ta cũng không biết trước đó kẻ đó là ai, nếu vướng vào tham nhũng thì đều bị xử lý, vừa qua đã có những vụ tham nhũng của nguyên lãnh đạo lớn của đảng và nhà nước cũng xử lý điều đó là lấy lại lòng tin của người dân với công cuộc Phòng chống tham nhũng, đây không chỉ là phong trào hô khẩu hiệu mà là hoạt động thực tế. Trước đây, nhiều vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, đâu đó còn tư tưởng ngại đụng chạm, tồn đọng từ nhiều năm thậm chí có thể “chìm xuồng” thì từ khi Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng được kiện toàn và hoạt động hiệu quả, các vụ án đó đã được chỉ đạo quyết liệt và xử lý dứt điểm.

Ông Nguyễn Mạnh Cường – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội: Ban chỉ đạo đã hoạt động rất hiệu quả, mang tính độc lập, không bị phụ thuộc, năng lực hiệu quả hoạt động của BCĐ rất cao, phát huy rõ ràng trong thực tế, chúng tôi cho rằng trong thời gian tới phải tăng cường sự lãnh đạo chỉ đạo của BCĐ tiếp tục phát huy hiệu quả trong thời gian tới.

Ông Đinh Văn Minh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ: Chỉ số minh bạch, một tiêu chí phòng chống tham nhũng… thì chúng ta tăng mấy chục bậc. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2020, riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã thu hồi, tạm giữ, kê biên, phong tỏa, ngăn chặn tẩu tán tài sản trị giá trên 11.700 tỷ đồng, nhiều tài sản, bất động sản có giá trị khác.

Tổng Bí thư, Chủ Tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên họp thứ 18 Ban Chỉ đạo TW: "Chúng ta làm và có kết quả thật chứ không phải chỉ nói suông. Trước kia thường không thu hồi được tiền, phần đông là án treo, bây giờ thu hồi được tiền, tài sản...  đây là hướng rất đúng. Không phải chỉ cốt đi tù, mà cốt thu hồi được tiền, của cải, thu hồi được đất và có tác dụng giáo dục, răn đe, ngăn ngừa, cảnh tỉnh, cốt để người khác không vi phạm. Mục đích của chúng ta là như thế, cho nên tại sao ra tòa, bị xử mà người ta lại cảm ơn, xin lỗi. Tất cả các trường hợp bị xử lý đều tâm phục khẩu phục, ăn năn hối lỗi, xin lỗi Đảng, Nhà nước, nhân dân, xin lỗi Tổng Bí thư."

Theo 1 khảo sát mới được tiến hành trên cả nước của Ban Tuyên giáo Trung ương, 75% số người được hỏi ghi nhận và đánh giá cao “Sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta” . 93% cán bộ, đảng viên và nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Niềm tin và sự kì vọng này là động lực để trong thời gian tới, như Tổng Bí thư, Chủ Tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định: Cuộc chiến phòng chống tham nhũng sẽ được làm quyết liệt hơn, kiên trì hơn, không dừng, không nghỉ, không chùng xuống./.

 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng