Tin tức

ESCAP mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam

Thứ sáu, 04/12/2020 - 14:33

Lần đầu tiên Việt Nam chính thức cử Đại sứ, Đại diện thường trực tại Ủy ban Kinh tế - Xã hội châu Á – Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (gọi tắt là ESCAP). Chiều 3/12, Đại sứ Phan Chí Thành, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Thái Lan, kiêm nhiệm Đại sứ, Đại diện thường trực của Việt Nam tại ESCAP đã trao Thư ủy nhiệm cho Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc, Thư ký Điều hành ESCAP Armida Salsiah Alisjahbana tại trụ sở tổ chức này ở thủ đô Bangkok của Thái Lan.

 

ESCAP mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam
 
Tại cuộc trao đổi sau lễ trao Thư ủy nhiệm, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc, Thư ký Điều hành Armida đánh giá cao thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong 10 năm qua, cũng như việc lần đầu tiên Chính phủ Việt Nam chính thức cử Đại sứ, Đại diện thường trực tại Tổ chức này. Đại sứ Phan Chí Thành khẳng định mong muốn thúc đẩy cao quan hệ hợp tác tốt đẹp và hiệu quả giữa Việt Nam và ESCAP - tổ chức khu vực hàng đầu của Liên hợp quốc về phát triển bền vững và bao trùm.

Đại sứ Phan Chí Thành, Đại diện thường trực của Việt Nam tại ESCAP, nói: Việt Nam sẽ cố gắng tham gia vào tất cả các hoạt động của ESCAP trong các lĩnh vực phát triển bền vững, biến đổi khí hậu, về các công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin. Việt Nam là thành viên trong 4 cơ quan của ESCAP. Đó là nhóm công tác về xóa đói giảm nghèo, nhóm công tác về công nghệ thông tin, nhóm công tác về nông nghiệp và nhóm về thống kê. Việt Nam trong những năm qua đã tham gia vào tất cả các hoạt động của ESCAP, cử các đoàn cấp cao tham dự các hoạt động, hội nghị của ESCAP trong các năm và các chuyên gia tham gia các hoạt động của ESCAP, các ngành. Trong năm vừa qua do các tác động của Covid cho nên là Việt Nam không thể cử các đoàn tham gia được, nhưng mà Việt Nam đã tham gia vào các hoạt động, các cuộc họp theo hình thức trực tuyến với ESCAP.

Tại cuộc trao đổi, Đại sứ Phan Chí Thành cũng bày tỏ mong muốn tăng cường quan hệ Đối tác toàn diện ASEAN – Liên hợp quốc, tăng cường trao đổi về các biện pháp, chính sách về các vấn đề mới nổi, nhất là các biện pháp khôi phục sau COVID-19 và tăng cường tự cường, khả năng ứng phó của các nước với các khủng hoảng trong tương tai, đồng thời vẫn đảm bảo hướng tới mục tiêu chung là hoàn thành các Mục tiêu phát triển bền vững./.

 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng