Thời sự - Chính trị
Họp cho ý kiến một số nội dung liên quan lĩnh vực đất đai
Sáng ngày 24/4/2025, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền chủ trì cuộc họp để nghe và cho ý kiến chỉ đạo xử lý một số nội dung vướng mắc trong hoạt động giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai đối với các thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu xác định diện tích đất ở chưa phù hợp với quy định được nêu tại Kết luận thanh tra số 87 của Chủ tịch UBND tỉnh. Những tồn tại, hạn chế trong giải quyết hồ sơ xin phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện.

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, về những vướng mắc trong hoạt động giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai đối với các thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu xác định diện tích đất ở chưa phù hợp với quy định được nêu tại Kết luận thanh tra số 87 của Chủ tịch UBND tỉnh. Qua rà soát, tổng số thửa đất trên địa bàn toàn tỉnh phải thực hiện khắc phục theo nội dung chỉ đạo của Kết luận số 87 là 6756 thửa đất. Hiện nay, số trường hợp phát sinh thủ tục hành chính là 297 thửa đất, tại địa bàn các huyện, khu vực và thành phố: Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Sơn Tịnh, Sơn Hà và Thành phố Quảng Ngãi). Các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai khó khăn, lúng túng trong việc xác lập hồ sơ nên phải “Tạm dừng giải quyết” hoặc “Thông báo trả” do chưa có hướng xử lý dẫn đến gây bức xúc cho công dân nên đã phát sinh đơn khiếu nại, kiến nghị phản ánh.
Để giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho công dân được đảm bảo và hạn chế việc phát sinh đơn khiếu nại, kiến nghị phản ánh, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã đề xuất giải pháp. Đối với trường hợp thửa đất chưa chuyển quyền sử dụng, nếu người dân đồng ý điều chỉnh giảm diện tích đất ở thì Văn phòng Đăng ký đất đai sẽ cấp đổi giấy chứng nhận theo diện tích đã điều chỉnh. Nếu người dân không đồng ý điều chỉnh mà muốn nộp tiền sử dụng đất thì chuyển thông tin để xác định nghĩa vụ tài chính theo Luật Đất đai 2024. Trường hợp không có giấy tờ sử dụng đất, cơ quan chức năng tính nghĩa vụ tài chính theo diện tích đã xây nhà hoặc nếu phù hợp quy hoạch thì được công nhận đất ở, phải nộp tiền. Trường hợp có giấy tờ sử dụng đất, nếu đã xây nhà thì công nhận đất ở và thu tiền sử dụng đất; nếu chưa xây nhưng phù hợp quy hoạch thì cũng được công nhận và phải nộp tiền. Nếu không đồng ý cả điều chỉnh diện tích lẫn nộp tiền sử dụng đất thì cơ quan có thẩm quyền sẽ ban hành quyết định thu hồi giấy chứng nhận theo quy định tại Luật Đất đai 2024. Trong trường hợp thửa đất đã chuyển quyền sử dụng cần xử lý giống như trường hợp chưa chuyển quyền. Nếu người dân không chấp nhận bất kỳ phương án nào, và không thể thu hồi giấy chứng nhận thì cơ quan chức năng sẽ có văn bản thông báo không tiếp nhận hồ sơ, không xem xét tái định cư nếu Nhà nước thu hồi đất. Về thời điểm tính tiền sử dụng đất, căn cứ theo thời điểm được cấp giấy chứng nhận lần đầu. Mức tiền tính tại thời điểm người dân đồng ý nộp, theo Nghị định 103/2024 của Chính phủ

Về nội dung những tồn tại, hạn chế trong giải quyết hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở thuộc thẩm quyền UBND cấp huyện. Liên quan đến hạn mức chuyển mục đích sử dụng đất, Luật Đất đai 2024 và các văn bản hướng dẫn không quy định hạn mức chuyển mục đích sử dụng đất. Tuy nhiên, theo Thông báo số 122 của UBND TP. Quảng Ngãi, tạm thời giới hạn diện tích chuyển mục đích sang đất ở không quá 200m²/hồ sơ. Điều này khiến nhiều trường hợp phải tách thửa để đủ điều kiện nộp hồ sơ. Tuy nhiên, diện tích tối thiểu để tách thửa đất nông nghiệp là 200m², nên các thửa từ 200–400m² gặp khó khăn vì: nếu giữ nguyên thửa thì vượt hạn mức. Nếu tách thì không đủ diện tích theo quy định. Trong khi đó, Thông tư 10/2024 của Bộ Tài nguyên Môi trường tại Điều 13, khoản 17 điểm a lại cho phép chuyển mục đích toàn bộ thửa đất, dẫn đến xung đột giữa quy định và thực tiễn địa phương. Hiện Một số địa phương, như TP. Quảng Ngãi, vướng mắc trong việc xác định thời điểm tách thửa: trước hay sau khi có quyết định chuyển mục đích, đặc biệt với trường hợp chuyển một phần thửa đất nông nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền lưu ý việc đưa đất đai vào sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước là yêu cầu tất yếu nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý ở tất cả các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở. Nếu buông lỏng quản lý, sẽ dẫn đến tình trạng thiếu minh bạch, gây bức xúc trong nhân dân và nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước. Do đó, các cơ quan chuyên môn, các địa phương gặp vướng mắc thực tế cần tập trung nêu tất cả khó khăn vướng mắc, đề xuất các giải pháp để từ đó tỉnh có hướng xử lý các tồn tại, bất cập trong công tác quản lý đất đai, đồng thời làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân có liên quan để đảm bảo kỷ cương, pháp luật và niềm tin của nhân dân.
Ý kiến ()