Xã hội
Nỗ lực xoá nhà dột nát để đồng bào Ca Dong an cư
PTQ - Mong ước có được ngôi nhà khang trang, mưa không dột, nắng không rọi luôn là ước mơ của nhiều gia đình nghèo là người dân đồng bào dân tộc thiểu số Ca Dong ở huyện miền núi Sơn Tây. Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát đã hiện thực hoá ước mơ tưởng chừng như không thể ấy của hàng trăm hộ gia đình khi những căn nhà kiên cố, khang trang được chính quyền nỗ lực hỗ trợ để người dân Ca Dong có chỗ ở ổn định.

Ngôi nhà mới của mẹ con bà Gố. Chồng chết sớm, bà Gố một mình nuôi người con bệnh tật. Cuộc sống nghèo khó nên không thể xây dựng được nhà mới, phải sống cảnh nhà dột nát. Nay thì mẹ con bà vui mừng vì đã có thể an cư trong ngôi nhà được nhà nước hỗ trợ. Bà Đinh Thị Gố, ở xã Sơn Tinh, Sơn Tây, Quảng Ngãi, cho biết: Không có nhà ở nhưng bữa nay là có nhà ở rồi. Tôi cảm ơn nhà nước, cảm ơn bà con.
Những ngôi nhà kiên cố được xây dựng ở xã Sơn Tinh, huyện Sơn Tây để thay thế cho những ngôi nhà tạm, nhà dột nát. Trong thời gian rất ngắn khi phát động chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát, Sơn Tinh đã huy động mọi nguồn lực tập trung xây dựng nhà mới để xoá 71 căn nhà tạm, nhà dột nát của địa phương.

Ông Võ Tấn Tự, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Tinh, Sơn Tây, Quảng Ngãi, cho biết: Để hoàn thành chương trình xóa nhà tạm này, xã đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc trong đó tập trung vào lực lượng đoàn viên thanh niên với phương châm người có của góp của, người có công góp công, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít.

Phải nỗ lực xoá nhà tạm, nhà dột nát để người dân Ca Dong được an cư. Quyết tâm này thể hiện rõ khi trong thời gian chỉ 4 tháng, huyện Sơn Tây đã hoàn thành 620 căn nhà, trị giá gần 34 tỷ đồng thuộc chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát. Sơn Tây trở thành một trong những huyện đầu tiên hoàn thành xong chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát của tỉnh.

Ông Đinh Trường Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi, cho biết: Thấy rất có ý nghĩa đối với chương trình của Nhà nước trong việc xoá nhà tạm cho bà con trên địa bàn huyện là một trong những địa phương đặc biệt khó khăn của tỉnh. Thường trực Huyện uỷ, HĐND, UBND xã định phải giúp dân an cư thì mới lạc nghiệp. Khi người dân có nhà cửa thì mới tập trung vào phát triển kinh tế nên thường xuyên hàng tuần Ban chỉ đạo đều tổ chức họp để mà xác định những nhiệm vụ cụ thể trong việc xoá nhà tạm và kết quả này là một trong những nỗ lực rất lớn của địa phương.
Có nhà mới thay thế cho những căn nhà tạm bợ, dột nát, người dân đồng bào dân tộc thiểu số Ca Dong không chỉ có nơi an cư mà còn tạo động lực để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Ý kiến ()