Thế giới
Viện trợ y tế toàn cầu giảm mạnh
Làn sóng cắt giảm viện trợ nước ngoài với sự đi đầu của Mỹ đang khiến nguồn tài trợ y tế toàn cầu giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 15 năm qua. Nhận định được đưa ra trong một nghiên cứu của Tạp chí Y khoa danh tiếng thế giới The Lancet.

Sau khi đạt mức cao kỷ lục 80 tỷ USD năm 2021 trong thời kỳ đại dịch COVID-19, tổng viện trợ y tế toàn cầu được dự báo sẽ giảm xuống còn 39 tỷ USD trong năm nay, mức giảm thấp nhất kể từ năm 2009. Trong nghiên cứu, The Lancet cho biết nguồn vốn viện trợ cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người nghèo và những người cần hỗ trợ nhất trên thế giới đã bị cắt giảm mạnh trong năm 2025. Làn sóng cắt giảm mạnh do Mỹ dẫn đầu kéo theo các tuyên bố cắt giảm viện trợ sâu gần đây do Anh, Pháp và Đức công bố. Mỹ đã cắt giảm ít nhất 67% ngân sách viện trợ y tế toàn cầu so với năm trước đó, Anh cắt gần 40%, Pháp giảm 33% và Đức giảm 12%.
Nghiên cứu cảnh báo, sự thay đổi đột ngột này sẽ khiến thế giới bước vào một kỷ nguyên mới của tình trạng “thắt lưng buộc bụng” trong lĩnh vực y tế toàn cầu. Trong kỷ nguyên này, các quốc gia châu Phi cận Sahara như Somali, CHDC Congo và Malawi sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì phần lớn ngân sách y tế của các nước này đến từ viện trợ quốc tế. Việc cắt giảm này cũng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc điều trị và phòng ngừa hàng loạt bệnh, bao gồm HIV/AIDS, sốt rét và lao.
Ý kiến ()