Thế giới
Xung đột khiến nhiều quốc gia tụt hậu
Các quốc gia bị xem là "tuyệt vọng nhất thế giới" đang dần tụt hậu khi tình hình trở nên tồi tệ hơn do các cuộc xung đột ngày càng khốc liệt và xảy ra thường xuyên hơn.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), kể từ năm 2020, sản lượng kinh tế bình quân đầu người tại 39 quốc gia và vùng lãnh thổ, trải dài từ Quần đảo Marshall ở Thái Bình Dương đến Mozambique ở châu Phi hạ Sahara, giảm trung bình 1,8% mỗi năm. Còn tại các quốc gia đang phát triển khác, chỉ số này tăng trung bình 2,9% mỗi năm.

Theo nhận định của giới chuyên gia, kinh tế trì trệ - thay vì tăng trưởng - đã trở thành điều bình thường tại các nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi xung đột và bất ổn. Hiện có hơn 420 triệu người ở 39 nền kinh tế dễ bị tổn thương này đang sống với mức thu nhập dưới 3 USD/ngày - ngưỡng nghèo đói cùng cực theo định nghĩa của WB. Con số này cao hơn tổng số người nghèo ở các khu vực khác trên thế giới, mặc dù 39 quốc gia và vùng lãnh thổ này chỉ chiếm chưa đến 15% dân số toàn cầu. Xung đột gia tăng đã khiến tình hình thêm trầm trọng.
Trong những năm 2000, trung bình mỗi năm thế giới chứng kiến hơn 6.000 cuộc xung đột. Xung đột gia tăng cũng kéo theo nạn đói. WB ước tính rằng 18% dân số tại các quốc gia và vùng lãnh thổ này - khoảng 200 triệu người - đang đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng. Tỷ lệ này tại các nước có thu nhập thấp và trung bình khác chỉ là 1%.
Ý kiến ()