Văn hóa
Bảo vệ Voọc chà vá chân nâu ở bán đảo Sơn Trà
Là loại sinh vật đặc hữu tại bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), hiện nay, Voọc chà vá chân nâu đang bị các đối tượng săn bắt trái phép bằng bẫy thú.
Voọc chà vá chân nâu đang bị các đối tượng săn bắt trái phép bằng bẫy thú. Ảnh: Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà
Nạn đặt bẫy thú tăng vọt
Một đội chuyên nhiếp ảnh về hệ sinh thái tại bán đảo Sơn Trà (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) đã kịp thời cứu một cá thể chồn bạc thoát khỏi bẫy kẹp vào chi (chân) trước tại khu vực gần cảng Tiên Sa, thuộc bán đảo Sơn Trà.
Ngoài ra, trên một số trang Facebook cá nhân cũng đăng tải một số bức ảnh cá thể Voọc (sinh vật đặc hữu tại bán đảo Sơn Trà) bị cụt tay nghi do dính bẫy.
Theo nghiên cứu của Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Đà Nẵng và Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (Green Viet), bán đảo Sơn Trà đang là ngôi nhà sinh sống của hơn 1.300 cá thể Voọc chà vá chân nâu - loại sinh vật đặc hữu chỉ sinh sống tại khu vực Đông Dương, được xếp hạng nguy cấp trong Sách đỏ Việt Nam và Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế. Tuy nhiên, hiện những cá thể Voọc này đang bị các đối tượng săn bắt trái phép bằng bẫy thú.
Báo cáo từ Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn, trong 3 tháng đầu năm 2023, lực lượng triển khai 74 đợt tuần tra, phát hiện được hơn 380 bẫy thú các loại, 2 lán trại.
So với cùng kỳ năm trước thì nạn đặt bẫy thú hiện nay tại bán đảo Sơn Trà đang tăng vọt, cụ thể là trong 3 tháng đầu năm 2022, lực lượng chức năng phát hiện 32 bẫy các loại.
Số lượng bẫy tăng vọt tại bán đảo Sơn Trà cho thấy rằng, hiện nay vấn nạn đặt bẫy đang rất báo động, ảnh hưởng đến hệ động vật sinh sống tại bán đảo Sơn Trà.
Điều này cho thấy, tình trạng này đáng báo động nên cần tăng cường quản lý, xử lý vi phạm để bảo vệ động vật hoang dã, hệ sinh thái tự nhiên tại bán đảo Sơn Trà.
Truy quét nạn vận chuyển lâm sản
Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Đức Vũ - Trưởng ban Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà - cho biết, Ban quản lý đã lắp đặt 8 cầu cây xanh dọc tuyến Tiên Sa - Hố Sâu - Bãi Bắc nhằm kết nối sinh cảnh và không gian sống tự nhiên cho loài động vật hoang dã cũng như Voọc chà vá chân nâu tại bán đảo Sơn Trà.
Ban quản lý cũng hướng dẫn tuyên truyền các cá nhân, nhóm khách tham quan tuyến ngắm Voọc đảm bảo nội quy tham quan, không gây tiếng ồn, màu sắc của quần áo không ảnh hưởng đến sinh cảnh sống của Voọc. Thường xuyên cử nhân viên thực hiện công tác chốt nhắc nhở người dân, du khách không xả rác bừa bãi gây ảnh hưởng đến đời sống tự nhiên của loài Voọc chà vá chân nâu.
"Hàng năm, Ban quản lý tham gia các đoàn liên ngành kiểm tra, truy quét ngăn chặn phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản và động vật rừng trái phép tại bán đảo Sơn Trà. Hay tổ chức định kỳ hoạt động "Clean Up Son Tra - Vì một Sơn Trà xanh", hoạt động nhằm mục đích làm sạch môi trường tại bán đảo Sơn Trà đồng thời qua đó tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và du khách về tầm quan trọng của việc bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên, bảo tồn loài Voọc chà vá chân nâu" - ông Nguyễn Đức Vũ cho hay.
Ông Nguyễn Đức Vũ cũng cho biết thêm, thời gian tới Ban quản lý sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng chương trình đi bộ học tập, trải nghiệm thiên nhiên dưới tán rừng cho học sinh, người dân và du khách tại tuyến "Không gian xanh - bán đảo Sơn Trà". Qua đó nâng cao nhận thức về việc bảo vệ loài Voọc chà vá chân nâu quý hiếm, giá trị đa dạng sinh học tại bán đảo Sơn Trà.
Linh bài:https://laodong.vn/xa-hoi/bao-ve-vooc-cha-va-chan-nau-o-ban-dao-son-tra-1177217.ldo
Ý kiến ()