Thời sự - Chính trị
Thường trực HĐND tỉnh Quảng Ngãi thông qua dự thảo báo cáo kết quả giám về thủy sản, giai đoạn 2020 - 2023
PTQ - Ngày 03/11, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Cao Phúc đã chủ trì cuộc họp thông qua dự thảo báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2020 - 2023.
Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 4.278 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên đã đăng ký và được cập nhật đầy đủ vào hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase). Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 1.500ha, với khoảng 2.000 cơ sở nuôi trồng thủy sản; khoảng 1.500 cơ sở và cơ sở nuôi nước ngọt nhỏ lẻ khoảng 445 cơ sở chủ yếu là tôm, ốc hương, cá nước ngọt, nước lợ, cua. Phương pháp nuôi thâm canh, quảng canh. Đến nay, có 97 cơ sở nuôi trồng thủy sản đã cấp mã số cơ sở nuôi trên tổng số 1.625cơ sở nuôi trồng thủy sản, đạt gần 6%. Giai đoạn 2020 - 2023, sản lượng thủy sản của tỉnh đạt bình quân 276 nghìn tấn/năm; tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành thủy sản bình quân 3,2%/năm; giá trị sản xuất ngành thủy sản bình quân đạt 6.900 tỷ đồng/năm; kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt bình quân 25 triệu USD/năm. Lao động ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 30% tổng số lao động của cả tỉnh.
Trên địa bàn tỉnh có khoảng 100 cơ sở sơ chế, chế biến thủy sản. Các sản phẩm tập trung nhiều vào nhóm sản phẩm sơ chế; các sản phẩm qua chế biến sâu, các sản phẩm phi thực phẩm chiếm tỷ trọng thấp.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Cao Phúc đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp thêm các số liệu theo đề xuất của các đại biểu để hoàn thiện báo cáo. Trên cơ sở đó, Thường trực HĐND sẽ ký và gửi đại biểu HĐND trong kỳ họp HDND tỉnh vào cuối năm 2024. Thường trực HĐND tỉnh sẽ kiến nghị UBND tỉnh nghiên cứu tất cả các nội dung trong báo cáo để tổ chức triển khai thực hiện, đáp ứng yêu cầu đặt ra theo quy hoạch, định hướng của Chính phủ. Kiến nghị UBND tỉnh bố trí nguồn lực đầu tư công trung hạn trong giai đoạn đến đối với hạ tầng cảng cá theo đúng quy mô, công suất để vừa đảm bảo cho tàu neo đậu, tránh trú bão, vừa phát triển chế biến thủy sản, tạo việc làm cho người dân ven biển. Các vùng ven biển cần nghiên cứu xây dựng các khu, cụm công nghiệp chuyên về chế biến thủy sản. Bên cạnh phát triển thủy sản nước mặn, nước lợ, cần phải xây dựng, kết nối tiêu thụ các sản phẩm cá nước ngọt, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế.
Ý kiến ()