Xã hội
Thanh niên sản xuất nhang trầm hướng tới chuẩn OCOP
PTQ - Khởi nghiệp từ kinh doanh dược liệu bản địa, anh Ngô Thanh Được ở xã Sơn Thành, huyện miền núi Sơn Hà đã mạnh dạn mở hướng đi mới là trực tiếp sản xuất các sản phẩm tiêu dùng từ nguồn nguyên liệu địa phương. Trong đó, nhang trầm là sản phẩm chủ lực được anh tập trung phát triển, hướng tới đạt chuẩn OCOP 3 sao.

Hơn một năm trước, anh Được bắt tay vào sản xuất nhang trầm với mong muốn tạo ra một sản phẩm truyền thống vừa an toàn cho sức khỏe, vừa thân thiện với môi trường, tận dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu sẵn có. Lựa chọn nguyên liệu từ vỏ cây dó trầm, một loại cây bản địa có giá trị cao, anh Được kết hợp cùng các phụ liệu tự nhiên khác. Đặc biệt, toàn bộ nguyên liệu đều được thu mua và sơ chế ngay tại địa phương.

Làm cây nhang như thế này là nguồn nguyên liệu là cái quan trọng nhất, cái nguồn nguyên liệu là ở địa phương, ở nhà đã từng trồng và bán cho người khác chớ không phải tự mình sản xuất, khai thác hết ra cây gió bầu, cây trầm này, và khi có ý định làm nhang thì mình phải tìm đến các cơ sở sản xuất có tiếng như ở Quảng Nam để học hỏi từ các quy trình làm, công thức chế biến để về làm. Anh Được chia sẻ.
Bình quân mỗi tháng, anh Được cung cấp khoảng 300kg nhang trầm ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Đáng ghi nhận là từ khi bắt tay vào sản xuất nhang trầm, nhiều hộ dân trồng cây dó trầm tại địa phương cũng có thêm thu nhập ổn định, từng bước hình thành chuỗi giá trị từ nguyên liệu đến sản phẩm.

Ông Nguyễn Tấn Dũng, ở xã Sơn Thành, Sơn Hà, Quảng Ngãi, cho biết: Hồi xưa mình cứ bán y cái cây, họ đào nguyên cả gốc, cả nhánh, cả ngọn đi đâu đi mình không biết, còn bây giờ mình tự khai thác lấy những cái làm trầm được thì mình bán, còn cái khác mình làm nhang, ví dụ như hồi xưa cái cây đây một triệu thì nay cũng 1,7 -1,8 triệu.

Anh Ngô Thanh Được, ở xã Sơn Thành, Sơn Hà, Quảng Ngãi, cho biết: Hiện tại thì em thu mua cây của họ, cái cây như thế này thì mình mua của họ 2 triệu hoặc 3 triệu mình mua xong để đó mình làm ra trầm rồi mình đem về, có thể mình hợp đồng với họ xong thì mình cân kí, mình cắt rồi mình cân kí lên cỡ 20-30 ngàn/kí, khi đó mình sẽ thỏa thuận giá với người dân.
Nhu cầu sử dụng nhang trầm tự nhiên ngày càng cao, nhất là trong đời sống tâm linh và xu hướng tiêu dùng xanh của người dân đô thị. Anh Được đang có kế hoạch liên kết với người dân địa phương để trồng cây dó trầm và bao tiêu nguyên liệu, hướng đến phát triển vùng trầm bền vững. Anh đang hoàn thiện hồ sơ để sản phẩm nhang trầm tham gia chương trình OCOP. Là bước đệm quan trọng, giúp mở rộng thị trường và nâng tầm giá trị cho sản phẩm truyền thống mang dấu ấn vùng cao Sơn Hà.
Ý kiến ()