Xã hội
Quảng Ngãi chủ động chặn dịch tả heo châu Phi từ cơ sở
(QNgTV) - Dịch tả heo Châu Phi đang tái bùng phát tại nhiều thôn, xã của tỉnh Quảng Ngãi. Chỉ trong vòng chưa đầy 10 ngày, hơn 500 con heo buộc phải tiêu hủy để hạn chế lây lan. Với đặc thù chuồng trại nhỏ lẻ, san sát, cộng với thời tiết mưa nắng thất thường, nguy cơ dịch bệnh lan rộng là rất lớn nếu không phát hiện, xử lý kịp thời. Trong bối cảnh đó, việc chủ động chặn dịch ngay từ cơ sở, từ từng hộ dân, từng thôn, xóm là yếu tố then chốt để khoanh vùng, dập dịch, bảo vệ đàn heo và sinh kế của người chăn nuôi. Quảng Ngãi đang nỗ lực khẩn trương, quyết liệt từ cơ sở đến cấp tỉnh, nhằm ngăn chặn dịch tả heo Châu Phi, không để ổ dịch lan ra diện rộng.

Tại thôn Hiệp Phổ Tây, xã Nghĩa Hành. Ngay khi phát hiện ổ dịch tả heo Châu Phi, lực lượng cơ sở đã lập tức vào cuộc. Nhân viên thú y, công an và chính quyền địa phương kịp thời khoanh vùng, tiêu độc, xử lý, hạn chế tối đa nguy cơ lây lan. Chủ động từ cơ sở, các thôn, xã đã phát huy vai trò “tai mắt” tại chỗ, giúp kiểm soát kịp thời, xử lý dứt điểm từng hộ chăn nuôi, tránh dịch bệnh lan rộng.

Ông Trần Văn Thiện, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Hiệp Phổ Tây, xã Nghĩa Hành, cho biết: Sau khi có chủ trương của Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch của xã và thành lập đoàn công tác cũng như phân công nhiệm vụ. Cơ bản trong thôn chúng tôi thì làm công tác. Tuyên truyền bằng hình thức loa phóng thanh, phân công các tổ chức chính trị - xã hội để động viên người dân để làm tốt công tác tuyên truyền. Thứ hai là kịp thời cấp thuốc cho bà con nhân dân để tiêu độc, khử trùng, bảo vệ chuồng trại. Những nơi có dịch thì anh em có cử người đến kiểm tra, khử độc, khoanh vùng để đảm bảo cho các hộ xung quanh, để công tác phòng chống dịch tốt hơn.

Trong vòng 10 ngày đầu tháng 7, dịch tả heo Châu Phi đã xuất hiện tại 83 cơ sở thuộc 11 xã, phường phía Đông Quảng Ngãi. Đã có hơn 500 con heo buộc tiêu hủy. Trong bối cảnh chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ lớn, ý thức hộ dân chưa đồng đều, sự vào cuộc kịp thời của lực lượng chuyên môn là rào chắn quan trọng.

Bà Lương Thị Kim Thuỳ, nhân viên Thú y, Trung tâm Cung ứng dịch vụ công xã Nghĩa Hành, cho biết: Xin kinh phí và một số hoá chất tại Chi cục Chăn nuôi Thú y đó là 200 lít hoá chất và tạm ứng 500 liều vaccine để về phòng chống dịch. Có nghĩa mình tiêm phòng bao vây và khử trùng, tiêu độc môi trường xung quanh để khống chế dập dịch.
Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, tỉnh Quảng Ngãi đã phát huy cao độ tinh thần chủ động và quyết liệt. Cấp tốc phân bổ hóa chất, cử lực lượng chuyên môn bám địa bàn, thành lập các tổ công tác đặc biệt, kiểm soát chặt vận chuyển và giết mổ.

Ông Phạm Mạnh Cường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: Tiếp tục cử cán bộ chuyên môn xuống các địa phương hỗ trợ. Hiện tại theo thống kê rà soát thì có 12/56 xã phía Đông Quảng Ngãi chưa có cán bộ thú y chuyên môn. Do đó Chi cục cũng tăng cường xuống các địa phương để hỗ trợ phòng chống, nắm bắt kịp thời tình hình dịch bệnh để khẩn trương chỉ đạo trong phòng chống. Thứ ba là cấp vaccine, hoá chất để các địa phương triển khai sớm, tiêm phòng để bao vây ổ dịch, vùng đệm cũng như vùng lân cận. Thành lập các đoàn công tác của Chi cục cùng lãnh đạo Chi cục đi xuống các địa phương đang xảy ra dịch để chỉ đạo, đôn đốc các địa phương tổ chức triển khai thực hiện.
Dịch tả heo Châu Phi từ nhiều năm nay vẫn là mối đe dọa thường trực với ngành chăn nuôi. Để dịch bệnh sớm được dập tắt, bên cạnh sự vào cuộc của chính quyền và cơ quan chuyên môn, ý thức người chăn nuôi là yếu tố quan trọng hàng đầu. Người dân phát hiện heo bệnh, chết bất thường hãy báo ngay cho chính quyền, thú y cơ sở để xử lý kịp thời. Việc tái đàn trong thời điểm chưa đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh chăn nuôi sẽ tiềm ẩn nguy cơ phát sinh ổ dịch mới.
“Đề nghị người dân không tái đàn trong thời điểm xảy ra dịch. Có thể thời điểm 6 tháng hoặc 1 năm sau chúng ta mới đủ điều kiện tái đàn. Ví dụ chuồng trại đảm bảo, chăn nuôi an toàn sinh học. Áp dụng các biện pháp chăn nuôi thì chúng ta mới tái đàn. Nếu chúng ta tái đàn trong thời điểm này tiếp tục phát sinh dịch bệnh. Mầm bệnh đang tiềm nẩn môi trường rất lớn và trong không khí. Do đó chúng ta phải hạn chế”, ông Cường cho biết thêm.
Sự chủ động, phối hợp đồng bộ và quyết liệt từ thôn, xã đến cấp tỉnh là lá chắn để Quảng Ngãi kiểm soát, khống chế dịch tả heo Châu Phi. Cùng với nỗ lực của cơ quan chức năng, trách nhiệm của người chăn nuôi chính là chìa khóa ngăn chặn dịch bệnh tái bùng phát.
Ý kiến ()