Xã hội
Phát triển sản phẩm Ocop từ tiềm năng bản địa
PTQ - Từ một huyện có xuất phát điểm thấp trong thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, đến nay huyện miền núi Sơn Tây đã có 8 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp huyện. Huyện Sơn Tây đang nỗ lực đưa ra thị trường nhiều sản phẩm OCOP đạt chất lượng.

Năm 2024, 5 sản phẩm của Hợp tác xã Sản xuất nông lâm nghiệp và Thương mại dịch vụ Sơn Bua được UBND huyện Sơn Tây đánh giá, phân hạng và công nhận là sản phẩm OCOP, bao gồm: Sản phẩm Chuối sấy dẻo SOBU; Mật chuối SOBU; Măng vót Sơn Tây sấy khô; Măng vót Sơn Tây muối chua; Măng vót Sơn Tây dầm tỏi ớt. Các sản phẩm này đều được xây dựng và phát triển từ các mặt hàng nông sản địa phương.

Bà Lê Thị Ánh, Giám đốc HTX Sản xuất Nông lâm nghiệp và Thương mại dịch vụ Sơn Bua, Sơn Tây, Quảng Ngãi, cho biết: Khi các sản phẩm đạt OCOP 3 sao thì khách hàng họ tin tưởng hơn. Khi sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP sẽ đạt về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm với đầy đủ kết quả kiểm nghiệm và công bố chất lượng sản phẩm. Như vậy khách hàng sẽ tin tưởng hơn, từ đó tăng giá trị của sản phẩm.

Năm 2023, Sơn Tây có 03 sản phẩm OCOP cấp huyện đầu tiên là Bưởi da xanh Soli, Măng Nứa khô Soli và Ổi Rupy. Đến nay, tổng số sản phẩm OCOP của huyện là 8 sản phẩm. Huyện Sơn Tây đang tích cực hỗ trợ các Hợp tác xã, các chủ thể trong việc đăng ký nhãn mác hàng hóa, đo lường chất lượng sản phẩm, định hướng để các chủ thể lựa chọn xây dựng, đăng kí sản phẩm OCOP.

Ông Đinh Trường Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi, cho biết: Các hợp tác xã giống như cánh tay nối dài của địa phương, là nơi đưa các sản phẩm ra thị trường và thông qua đó giải quyết việc làm cho các hộ thành viên của các hợp tác xã. Thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia huyện cũng hỗ trợ hết sức để xây dựng nhãn mác hàng hóa, truy xuất nguồn gốc, đăng ký mã nguồn cho các sản phẩm đăng ký sản phẩm OCOP.

Huyện Sơn Tây xác định phát triển sản phẩm OCOP là cơ hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm ra thị trường. Mở hướng làm ăn, tăng thu nhập cho các chủ thể, người dân trên địa bàn. Huyện ưu tiên khai thác những sản phẩm tiềm năng bản địa. Thông qua việc phát triển sản phẩm OCOP sẽ hình thành những vùng sản xuất nguyên liệu tập trung.
Ông Đinh Trường Giang, cho biết thêm: Hướng của huyện trong phát triển sản phẩm OCOP thì phải tính toán nhiều yếu tố, nhất là những sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương. Sơn Tây đang cố gắng xây dựng các sản phẩm liên quan đến cau, sản phẩm Trà búp ổi, hiện sản phẩm này có vùng nguyên liệu rất là rộng và đã được thị trường đón nhận. Sơn Tây ưu tiên, tập trung những sản phẩm mang tính đặc trưng của Sơn Tây, có thể phát triển lâu dài và thị trường cung cấp rộng lớn.
Huyện Sơn Tây tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa của Chương trình OCOP. Thực hiện tốt các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất chuyên canh tập trung, hỗ trợ phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn. Thông qua chương trình Mỗi xã một sản phẩm, nâng cao chất lượng, giá trị các mặt hàng nông sản chủ lực địa phương, góp phần tăng thu nhập cho bà con nông dân.
Ý kiến ()