Xã hội
Phân loại rác tại nguồn vì môi trường xanh
PTQ - Phong trào phân loại rác thải tại nguồn đã được lan tỏa rộng khắp ở Quảng Ngãi, đặc biệt qua sự đồng hành tích cực của phụ nữ, những người tiên phong thay đổi thói quen, góp phần giảm thiểu rác thải nhựa.

Tại xã Tịnh Long, TP. Quảng Ngãi, mô hình phân loại rác thải tại nhà và gây quỹ từ nguồn phế liệu của Hội phụ nữ đã từng bước thay đổi ý thức về phân loại rác, bảo vệ môi trường của người dân. Đây là một trong những mô hình tiêu biểu của các cấp Hội phụ nữ ở Quảng Ngãi. Mô hình đã thu gom hàng chục tấn rác thải tái chế và gây quỹ hỗ trợ cho nhiều hoàn cảnh khó khăn.

Phân loại rác thải tại nhà đã trở thành thói quen của bà Mai Thị Tần ở thôn Gia Hòa, xã Tịnh Long gần 05 năm qua. Ba thùng rác phân loại được bà sắp xếp gọn gàng ở góc nhà, đồng thời hướng dẫn con cháu cùng thực hiện."Những cái chế biến, tái tạo lại được để bỏ riêng dồn một nơi tập kết còn rác không phân hủy được như bao ny lông hoặc những thư có hóa chất không tái chế được để riêng, còn những cái gọi là làm phân hữu cơ được như vỏ rau củ thì nhà có bò", bà Tần cho biết.
Năm 2021, khi bãi rác Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa tạm ngưng tiếp nhận rác, xã Tịnh Long rơi vào tình trạng ùn ứ rác sinh hoạt. Trước tình hình đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã đi đầu trong vận động, triển khai mô hình phân loại rác tại nguồn. Chi hội phụ nữ thôn Gia Hòa là đơn vị đầu tiên làm điểm. Từ mô hình nhỏ tại đây, phong trào đã lan tỏa mạnh mẽ ra toàn xã. Từ đó đường làng, ngõ xóm sạch sẽ, không còn cảnh rác thải xả bừa bãi như trước đây. Mỗi hộ dân trong thôn ngày càng có ý thức hơn trong việc phân loại rác thải tại nguồn.


Bà Đỗ Thị Kim Thương, Chi Hội trưởng Hội Phụ nữ thôn Gia Hòa, xã Tịnh Long, TP. Quảng Ngãi, cho biết: Phân 3 loại rác thải một loại là hữu cơ, có chuồng bò, chuồng heo thì mình bỏ cho heo còn không bỏ góc vườn mình trồng rau. Còn không tái chế được thì bỏ xe chở đi. Đặc biệt là loại tái chế được thì kêu chị em thực hiện mô hình gom cho phế liệu đó để chị em phụ nữ lập bán, lập ra một cái quỹ thăm ốm, đau. Từ đó thấy mô hình rất hiệu quả nên đã nhân rộng ra một chi hội 4 tổ đều thực hiện thấy hiệu quả nên 3 tổ kia tiếp tục là thực hiện luôn.

Đến nay, hầu hết người dân ở xã Tịnh Long đều hưởng ứng việc phân loại rác thải tại nguồn. Việc thu gom, phân loại rác không chỉ giảm áp lực lên hệ thống xử lý rác thải mà còn tạo thành một phong trào rộng khắp, thay đổi thói quen sinh hoạt của người dân. Cũng từ mô hình phân loại rác thải tại nhà hiệu quả, Hội phụ nữ xã Tịnh Long đã kết hợp thêm mô hình thu gom rác thải tái chế bán lấy tiền gây quỹ. Từ năm 2023 đến nay, các cấp Hội phụ nữ trong xã đã thu gom hơn 15 tấn phế liệu tái chế, phân loại, bán tạo nguồn quỹ gần 40 triệu đồng. Từ số tiền này đã hỗ trợ cho các chị em phụ nữ, học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Bà Đỗ Thị Dung, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tịnh Long, TP. Quảng Ngãi, nhấn mạnh: Tất cả chung quy lại là để cho bà con nhân dân cũng như hội viên phụ nữ ý thức được việc bảo vệ môi trường vì tác hai của những phế liệu không phân hủy như rác thải nhựa ra môi trường vì nó rất là nguy hiểm cho môi trường sống. Bây giờ chúng ta chưa thấy được tác hại của nó. Nhưng mà về sau này đến đời con cháu thì đó là một tác hại rất lớn đến môi trường sống.
Phân loại rác thải tại nguồn của chị em phụ nữ xã Tịnh Long, thành Phố Quảng Ngãi đáng được nhân rộng, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc giữ gìn môi trường cho hôm nay và mai sau.
Ý kiến ()