Xã hội
Nghề may gia công tạo việc làm cho lao động nông thôn
PTQ - Ở những vùng nông thôn Quảng Ngãi, nhiều xưởng may gia công đã được thành lập, giúp người lao động, đặc biệt là phụ nữ có cơ hội việc làm ngay tại quê hương. Công việc linh hoạt, không yêu cầu trình độ cao, giúp nhiều chị em phụ nữ vừa kiếm thu nhập, vừa lo toan gia đình.

Cơ sở may gia công của gia đình ông Thư đã hoạt động hơn 12 năm, chuyên nhận gia công quần âu nam cho các doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh, với sản lượng hơn 15.000 sản phẩm mỗi năm. Ngoài 20 máy may hoạt động tại chỗ, nhiều lao động có thể nhận hàng về may tại nhà. Phụ nữ ở địa phương có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống. Hoạt động lâu năm, cơ sở may gia công của ông Thư còn tiên phong tham gia Tổ hợp tác may do Hội Nông dân xã Đức Nhuận thành lập, góp phần thúc đẩy phát triển nghề may gia công tại địa phương.


Ông Lê Quốc Thư, cơ sở may gia công ở xã Đức Nhuận, Mộ Đức, Quảng Ngãi, nói: Vào tổ hợp tác thì rất là lợi nhuận như tiền bạc, chính sách nhà nước hỗ trợ cho mình cho tổ hợp may rồi được hỗ trợ công nhân ở địa phương đây cũng thông qua tiếng nói của tổ hợp tác, giới thiệu người làm rồi dần dần phát triển lên rất là tốt.

Nghề may gia công đang phát triển mạnh mẽ ở các vùng nông thôn. Ở xã Đức Nhuận của huyện Mộ Đức, hiện nay có gần 60 cơ sở may gia công lớn nhỏ. Bình quân mỗi cơ sở giải quyết việc làm cho hơn 10 lao động, phần lớn là phụ nữ ở địa phương. Tạo điều kiện cho các cơ sở phát triển, chính quyền địa phương luôn quan tâm, hỗ trợ để mở rộng quy mô, cung ứng nguồn lao động. Ba năm trước, Hội Nông dân xã Đức Nhuận cũng đã thành lập Tổ hợp tác may để gắn kết các cơ sở, nâng cao hiệu quả hoạt động, giúp nhiều lao động, nhất là lao động diện hộ nghèo, hộ cận nghèo có thêm thu nhập. Chị Trần Thị Nhạt, cơ sở may gia công ở xã Đức Nhuận, Mộ Đức, phấn khởi cho biết thêm: Gia công để nhận hàng ở thành phố về cũng tạo điều kiện cho nhiều anh chị em ở quê, vừa đón con, đưa con đi học, làm được việc nhà, thu nhập hàng tháng tùy theo thợ, ví dụ như thợ nhất cũng được 06 triệu, còn thợ kia thì 04 triệu, 05 triệu, nói chung là ăn theo sản phẩm, đứa nào làm việc nhà nhiều thì làm lương sẽ ít hơn.

Ông Nguyễn Xuân Lẫm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Nhuận, Mộ Đức, Quảng Ngãi, cho biết thêm: Những hộ mở ra kinh doanh thiếu vốn, đăng kí chỗ Hội Nông dân chúng tôi sẽ sẵn sàng làm việc với các ngân hàng có điều kiện tạo điều kiện cho họ vay từ 50-100 triệu để giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho người ta sắm máy và tạo điều kiện cho những người trực tiếp đến cơ sở vừa học vừa may vừa có kinh tế.

Sự phát triển của các cơ sở may gia công đã mở ra cơ hội việc làm ngay tại địa phương, giúp nhiều phụ nữ nông thôn cải thiện thu nhập và giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình. Đặc biệt, sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính quyền địa phương tạo động lực quan trọng, góp phần vào sự phát triển bền vững và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.
Ý kiến ()