Xã hội
Mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới phòng tránh tai nạn bom mìn
PTQ - Trung tâm Hành động Bom mìn Quốc gia Việt Nam, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc và UBND tỉnh Quảng Ngãi phối hợp tổ chức Mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới phòng tránh tai nạn bom mìn (04/4). Đây là một phần của dự án Hành động Bom mìn vì Làng Hòa bình Việt Nam - Hàn Quốc, tập trung vào rà phá bom mìn sau chiến tranh, hỗ trợ nạn nhân và giáo dục phòng tránh tại Quảng Ngãi, Bình Định và huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế). Hơn 300 học sinh, thanh thiếu niên, cán bộ chiến sĩ, đại diện các sở, ngành tham gia sự kiện.

"Hãy hành động vì tương lai an toàn" là chủ đề của sự kiện năm nay, nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn, rà phá bom mìn và hỗ trợ nạn nhân trong việc xây dựng cộng đồng an toàn. Theo kết quả Khảo sát và Lập bản đồ ô nhiễm bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh tại Việt Nam, tính đến năm 2023, diện tích đất bị ô nhiễm bom mìn lên tới 5,6 triệu hecta, chiếm khoảng 17,7% tổng diện tích cả nước. Đối với Quảng Ngãi, theo báo cáo năm 2018, toàn bộ 170 xã, phường, thị trấn thuộc 13 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh đều bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ với tổng diện tích hơn 20 ngàn ha. Từ năm 2018 - 2021, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành phối hợp với Ban Quản lý dự án “Hành động bom mìn vì làng hòa bình Việt Nam - Hàn Quốc” khảo sát gần 12 ngàn ha, xác định gần 6.800 ha ô nhiễm bom mìn, rà phá và giải phóng hơn 4.000 ha, thu gom gần 69.000 vật nổ và tiêu hủy an toàn. Tổ chức hội thảo, tập huấn, thu thập thông tin từ hơn 43 ngàn người. Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn cũng được triển khai sâu rộng tại cộng đồng và trường học.
Đại diện Trung tâm Hành động Bom mìn Quốc gia Việt Nam khẳng định cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong việc xử lý ô nhiễm bom mìn, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xác định các khu vực ô nhiễm, tối ưu hóa công tác rà phá và hỗ trợ nạn nhân.
Các tổ chức thế giới đã đánh giá cao sự nỗ lực của Việt Nam trong công tác khắc phục hậu quả bom mìn trong thời gian qua. Đồng thời cam kết trao quyền cho cộng đồng người dân để có thể sống một cách tự tin không sợ hãi và phát huy hết tiềm năng của mình. Việc nâng cao năng lực quản lý, hỗ trợ nạn nhân bom mìn và tuyên truyền nâng cao ý thức phòng tránh tai nạn cho cộng đồng là rất cần thiết.
Điểm nhấn của sự kiện là cuộc thi kiến thức “Rung Chuông Vàng”, với sự tham gia của 120 em học sinh từ 8 - 11 tuổi. Các em được tìm hiểu về nguy cơ bom mìn, vật nổ thông qua hình thức thi đua sinh động và tương tác cao. Bên cạnh đó, tài liệu giáo dục trực quan cũng được phát đến người dân nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng.
Sau năm thập kỷ kể từ khi chiến tranh kết thúc, ô nhiễm bom mìn vẫn là mối nguy hại lớn tại Việt Nam, đặc biệt là tại tỉnh Quảng Ngãi. Sự kiện lần này là lời nhắc nhở về tính cấp thiết của việc tiếp tục đẩy mạnh công tác khắc phục hậu quả bom mìn, vì một tương lai an toàn và phát triển bền vững.
Ý kiến ()