Thời sự - Chính trị
Góp ý Dự thảo báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi (mới) nhiệm kỳ 2025 - 2030
PTQ - Ngày 11/5, tại trụ sở làm việc của UBND tỉnh Quảng Ngãi/ Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum đã có buổi làm việc định kỳ lần thứ 2 để triển khai thực hiện chủ trương của Trung ương về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh. Trong đó có việc góp ý vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi (mới) nhiệm kỳ 2025 - 2030. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân và Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum Dương Văn Trang chủ trì buổi làm việc.

Tham dự buổi làm việc, về phía tỉnh Quảng Ngãi có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đặng Ngọc Huy; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Giang; Phó Bí thư Tỉnh ủy Đinh Thị Hồng Minh; các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi. Về phía Tỉnh ủy Kon Tum có Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh U Huấn; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Tuy và các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Kon Tum.

Tại buổi làm việc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy 02 tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum đã thảo luận về dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi (mới) nhiệm kỳ 2025 - 2030. Trong đó, dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội có mục tiêu phát triển là xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng. Phát huy truyền thống cách mạng anh hùng, đại đoàn kết toàn dân tộc; liên kết và phát huy tiềm năng, lợi thế của mỗi vùng, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội; đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường đối ngoại; nâng cao toàn diện đời sống Nhân dân. Phấn đấu đến năm 2030, Quảng Ngãi là tỉnh phát triển khá của cả nước. Về một số chỉ tiêu chủ yếu trong dự thảo là phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2026 - 2030 từ 10%/năm trở lên. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người khoảng 7.100 - 7.200 USD. Đến năm 2030, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ trong GRDP chiếm khoảng 75 - 76%. Phấn đấu thu ngân sách nhà nước trên địa bàn hàng năm vượt mức chỉ tiêu Trung ương giao. Đến năm 2030, có trên 65% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trên 35% xã nông thôn mới nâng cao, 35% xã nông thôn mới kiểu mẫu. Đến năm 2030, không còn hộ nghèo (theo quy định về chuẩn nghèo của Trung ương). Thu nhập bình quân đầu người tăng bình quân 9 - 10%/năm.
Dự thảo cũng đề cập đến 05 nhiệm vụ trọng tâm là Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng bộ, chính quyền. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp nền tảng, thúc đẩy hình thành Trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất. Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đẩy mạnh phát triển du lịch; phát triển Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch biển - đảo; phát triển Khu du lịch Măng Đen trở trung tâm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng. Thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống Nhân dân. 03 nhiệm vụ đột phá là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, ưu tiên hạ tầng giao thông, đô thị, công nghệ phục vụ cho quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng để phát triển nhanh và bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp tỉnh, cấp xã, có đủ phẩm chất, năng lực, tư duy mới, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Tập trung cải cách hành chính, phát triển chính quyền điện tử; phát triển khoa học công nghê, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; nâng cao năng lực cạnh tranh; đẩy mạnh hội nhập quốc tế.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum Dương Văn Trang cho rằng trong nhiệm kỳ tới tỉnh Quảng Ngãi mới có lợi thế rất lớn sau khi hợp nhất với tỉnh Kon Tum. Vì vậy, cần đặt sự phát triển với mục tiêu phấn đấu, quyết tâm đuổi kịp với các tỉnh lân cận trong khu vực. Quảng Ngãi có Khu Kinh tế Dung Quất đang phát triển nên cần phải xem đây là thế mạnh. Tăng tỷ lệ lấp đầy, mở rộng diện tích và thể hiện đúng nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ tới là phát triển công nghiệp. Đối với phát triển đô thị dịch vụ, cần tập trung phát triển dọc theo 02 bờ sông Trà Khúc và bãi biển Mỹ Khê. Phấn đấu đạt được như các bãi biển Quy Nhơn, Đà Nẵng. Về khu vực miền núi, tỉnh Quảng Ngãi mới chủ yếu phát triển nông nghiệp với cây công nghiệp dài ngày và chế biến nông sản. Sau khi hợp nhất, Quảng Ngãi sẽ có thế mạnh rất lớn về phát triển dược liệu đặc hữu là sâm Ngọc Linh.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum Dương Văn Trang, cho biết: Hiện nay diện tích là 3.000 ha, nhiệm kỳ tới là trồng bao nhiêu nên trồng 3.000 nữa. Có 6.000 ha sâm Ngọc Linh. Giờ chế biến thô, sau này chế biến sâu ở Kon Tum hay ở Dung Quất. 01 kg sâm Ngọc Linh 100 triệu khi có nhà máy chế biến sâu sẽ 500-700 triệu. Nghiên cứu đưa vào giải pháp nhiệm kỳ tới kêu gọi thu hút đầu tư chế biến. Hiện quy hoạch 20 ngàn ha, còn 17 ngàn ha. Trồng này kinh tế hộ gia đình tăng lên, góp phần thoát nghèo, nâng cao thu nhập hộ gia đình.
Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum cũng cho biết, tỉnh Quảng Ngãi mới có 01 cửa khẩu quốc tế Bờ Y, lưu thông hàng hóa, nông sản từ bên Lào về. Vì thế, trong dự thảo văn kiện nhiệm kỳ tới cần tính toán đến lợi thế này. Trong nhiệm vụ, giải pháp cũng cần tập trung phát triển du lịch để đuổi kịp với các tỉnh, thành khu vực. Vì Quảng Ngãi có tiềm năng rất lớn về du lịch biển đảo và sinh thái.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân nêu rõ với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Quảng Ngãi là tỉnh phát triển khá của cả nước. Khi xây dựng dự thảo báo cáo chính trị, Quảng Ngãi cũng tham khảo các địa phương trong cả nước. Với định hướng mở rộng và xây dựng Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng Quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất theo Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị. Sự phát triển công nghiệp với sự đầu tư của các doanh nghiệp FDI, việc hình thành, mở rộng, phát triển nhà máy thép của Tập đoàn Hòa Phát tại Dung Quất. Quảng Ngãi đã có nền tảng công nghiệp và định hướng phát triển công nghiệp để phát triển thành tỉnh khá. Tỉnh Quảng Ngãi mới cũng có nhiều cơ hội phát triển dịch vụ, du lịch khi giáp ranh các nước và phát triển theo trục hành lang kinh tế Đông Tây.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân, cho biết: Măng Đen có nhà đầu tư chiến lược. Có đầy đủ sản phẩm du lịch cho chúng ta. Tích hợp được đưa vào báo cáo chính trị để định hướng nhiệm kỳ đến. Có đầy đủ điều kiện giữ cơ cấu kinh tế tăng trưởng và đưa du lịch thành điểm sáng, đuổi kịp các tỉnh đã phát triển trước chúng ta. Định hướng có đường hướng phát triển. Làm thế nào những lợi thế này thể hiện trong văn kiện, chương trình hành động gắn với nguồn lực. Kế hoạch đầu tư công trung hạn có điều kiện phát triển.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân cũng yêu cầu Tổ công tác, Tổ biên tập văn kiện tiếp thu các ý kiến để phát huy lợi thế, tiềm năng của tỉnh Quảng Ngãi mới trong định hướng phát triển giai đoạn 2025 -2030 và những nhiệm kỳ tiếp theo. Tỉnh cũng sẽ có chương trình hành động và cụ thể hóa bằng những nghị quyết chuyên đề để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới. Sau khi tiếp thu các ý kiến, dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi (mới) sẽ được hoàn thiện để tiếp tục xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy 02 tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum và tiến hành các bước tiếp theo.
Ý kiến ()