Thời sự - Chính trị
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh góp ý vào các dự thảo luật
PTQ - Chiều ngày 08/5, theo chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi thảo luận ở tổ, đóng góp ý kiến vào các dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và Luật Thanh tra (sửa đổi). Dự phiên họp có Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đặng Ngọc Huy và các đại biểu trong Đoàn.

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi phát biểu và bày tỏ tán thành sửa đổi toàn diện Luật Thanh tra năm 2022; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân với các lý do, cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn được nêu trong các tờ trình. Việc sửa đổi, bổ sung các luật nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong đó có việc sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra, cơ quan tòa án và viện kiểm sát theo hướng tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.
Việc sửa đổi toàn diện Luật Thanh tra và sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân đáp ứng điều kiện xây dựng, ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn quy định tại điểm b khoản 1 Điều 50 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025; các đại biểu cũng thống nhất đề nghị Quốc hội xem xét thông qua dự thảo Luật tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Góp ý kiến vào dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), các đại biểu cho rằng một số nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Chính phủ quy định tại khoản 1 Điều 10 và Điều 15 của dự thảo Luật được cơ quan chủ trì soạn thảo giữ nguyên như quy định của Luật hiện hành là chưa thực sự bám sát những yêu cầu đổi mới. Đối với thanh tra tỉnh, do Luật hiện hành quy định ở một số sở chuyên môn và UBND cấp huyện có tổ chức cơ quan thanh tra nên thanh tra tỉnh cần phải giúp UBND cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác thanh tra, nay sửa đổi Luật dự kiến ở mỗi tỉnh chỉ còn duy nhất một cơ quan thanh tra chính là thanh tra tỉnh nên không còn yêu cầu quản lý nhà nước về công tác thanh tra nữa. Các đại biểu đề nghị rà soát các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Chính phủ và vị trí, chức năng của thanh tra tỉnh trong dự thảo Luật để chỉnh lý, hoàn thiện bảo đảm đồng bộ, bám sát kết luận, chỉ đạo của Đảng và yêu cầu đổi mới về mô hình tổ chức của các cơ quan thanh tra sau sắp xếp./.
Ý kiến ()