Thế giới
Xung đột Israel-Iran ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng năng lượng và hàng hóa
Cuộc xung đột giữa Iran và Israel đang gây lo ngại sâu sắc cho cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu toàn cầu, khi các tuyến đường hàng hải chiến lược đối mặt với nguy cơ gián đoạn nghiêm trọng. Tình hình này có thể dẫn đến tăng mạnh giá cước vận chuyển và bảo hiểm hàng hóa, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu sang châu Âu và Nga.

Biển Đỏ và Eo biển Hormuz – hai tuyến đường hàng hải thiết yếu vận chuyển hơn 30% container toàn cầu và 21% lượng dầu mỏ đang trở thành điểm nóng. Những gián đoạn tại đây có thể ảnh hưởng nặng nề tới chuỗi cung ứng năng lượng và hàng hóa, đặc biệt với các nền kinh tế phụ thuộc nhập khẩu như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Thống kê mới nhất cho thấy xuất khẩu của Ấn Độ sang Israel đã giảm một nửa, từ 4,5 tỷ USD năm 2023–2024 xuống còn 2,1 tỷ USD trong năm tài khóa hiện tại. Xuất khẩu sang Iran cũng chững lại ở mức 1,4 tỷ USD, trong khi nhập khẩu từ Iran giảm mạnh gần 30%.
Lãnh đạo Liên đoàn các Tổ chức Xuất khẩu Ấn Độ nhận định các chuyến hàng xuất khẩu qua Biển Đỏ, vốn đang phục hồi sau cuộc khủng hoảng trước đó, sẽ lại bị trì hoãn. Giới chuyên gia cảnh báo, nếu xung đột kéo dài quá một tuần, chi phí vận chuyển có thể tăng tới 50%, khiến các doanh nghiệp phải gánh thêm áp lực chi phí lớn.
Trong bối cảnh Ấn Độ đặt mục tiêu đạt 1.000 tỷ USD xuất khẩu vào cuối năm nay, Liên đoàn các Tổ chức Xuất khẩu Ấn Độ cảnh báo mục tiêu này có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu bất ổn địa chính trị tiếp tục kéo dài.
Ý kiến ()