Xã hội
Triển khai kết quả học tập kinh nghiệm phát triển vùng cây ăn quả tại Sơn La
PTQ - Ngày 13/5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền chủ trì cuộc họp triển khai kết quả học tập kinh nghiệm về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong phát triển vùng cây ăn quả trên đất đồi dốc tại tỉnh Sơn La.

Sơn La có diện tích cây ăn quả là hơn 82.700 ha. Năm 2024, giá trị hàng hóa nông sản tham gia xuất khẩu ước đạt 190 triệu USD. Phát triển mạnh mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với các hộ nông dân trong sản xuất gắn với nhà máy chế biến nông sản. Toàn tỉnh Sơn La có 560 nhà máy, cơ sở chế biến sâu nông sản. Có 213 mã số vùng trồng với tổng diện tích hơn 3.110 ha và 08 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu.
Kinh nghiệm của tỉnh Sơn La trong phát triển vùng cây ăn quả là sự đồng thuận của người dân đối với chính sách phát triển cây ăn quả, xem đây là yếu tố quan trọng giúp mở rộng diện tích canh tác. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nâng cao hiệu quả sản xuất. Việc lựa chọn và phát triển các loại cây ăn quả cần dựa trên nguyên tắc phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Khuyến khích hộ gia đình liên kết sản xuất theo vùng chuyên canh. Phát triển hợp tác xã nông nghiệp theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp. Xây dựng mối liên kết chặt chẽ và hiệu quả giữa 4 nhà" nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân".
Những thông tin quan trọng để tỉnh Quảng Ngãi có thể học hỏi, áp dụng, góp phần tận dụng tiềm năng hiện có, nâng cao hiệu quả sản xuất trồng trọt, nâng cao thu nhập, từng bước cải thiện cuộc sống cho người dân, nhất là tại các vùng miền núi của tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền cho rằng, các huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi có điều kiện tương đồng với địa hình của tỉnh Sơn La. Trong thời gian tới, xác định lợi thế, thổ nhưỡng, khí hậu của từng địa phương để quy hoạch chuyển đổi cây trồng cho phù hợp, mang lại thu nhập tốt hơn cho người dân. Chọn nơi nào có điều kiện phát triển vùng nguyên liệu, có tổ hợp tác, hợp tác xã thực hiện trước, không triển khai đại trà. Khuyến khích, tạo điều kiện xây dựng và phát triển chuỗi liên kết, chế biến sâu nông sản. Tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên ở cơ sở có điều kiện tiên phong làm trước để nông dân học hỏi làm theo. Cán bộ ở cơ sở phải gần dân, sát dân, hiểu dân để giúp nông dân phát triển kinh tế hiệu quả. Đặc biệt, phải tạo sự đồng thuận và vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, mặt trận đoàn thể là yếu tố then chốt trong việc vận động người dân thay đổi tư duy sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo định hướng thị trường để phát triển kinh tế bền vững.
Ý kiến ()