Văn hóa
Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi nặng lòng với văn hoá Sa Huỳnh
(QNgTV)- Suốt 38 năm miệt mài nghiên cứu và thực hiện những cuộc điền dã, Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi đã dành trọn tâm huyết cho Văn hóa Sa Huỳnh. Với hàng loạt phát hiện mới và đóng vai trò then chốt trong việc hoàn thiện hồ sơ để Di tích Văn hoá Sa Huỳnh trở thành di tích Quốc gia đặc biệt, ông luôn nặng lòng với di sản vô giá này.

Một hành trình dài đi tìm và giải mã những điều tinh hoa ẩn sâu dưới lòng đất. Văn hoá Sa Huỳnh như cái nghiệp gắn chặt cuộc đời Tiến sĩ Khôi, để ông phải tốn bao nhiêu công sức nghiên cứu về nền văn minh cổ xưa trên dải đất miền Trung.

Những công bố giá trị về những hiện vật nền văn hóa Sa Huỳnh của Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi từ năm 1988, 1989 và những năm sau đó đã gây tiếng vang lớn trong giới khảo cổ học trong và ngoài nước. Ông đã có những phát hiện mới mẻ, làm thay đổi nhận thức về văn hóa Sa Huỳnh. Với gần 10 cuộc khai quật do ông chủ trì đã tìm thấy hơn 10.000 hiện vật liên quan đến văn hóa Sa Huỳnh.

Tiến sĩ Khôi là người có công lớn khi tìm thấy dấu tích của văn hóa Sa Huỳnh trên đảo Lý Sơn. Năm 1996, trong chuyến công tác tại đảo, ông tình cờ phát hiện những mảnh gốm Sa Huỳnh ở An Vĩnh. Năm 1997, một cuộc khai quật quy mô lớn do chính ông đóng vai trò chủ đạo đã được thực hiện tại Xóm Ốc, Lý Sơn, nơi tìm thấy bộ di cốt song táng cùng nhiều hiện vật của người Sa Huỳnh. Phát hiện này chứng minh rằng, người Sa Huỳnh xưa không chỉ cư trú dọc ven biển mà còn mở rộng phạm vi cư trú ra tận các đảo dọc biển miền Trung. “Cái quý giá là mộ này cho phép nhận thức về mặt nhân chủng, rồi cho phép nhận thức về mặt tục táng của người Sa Huỳnh, rồi cho phép nhận thức về cái loại hình của các nhóm nhân chủng, của chủ nhân trong văn hoá Sa Huỳnh trên đảo Lý Sơn nên bộ di cốt song tán nầy đã đem lại nhiều thông số rất thú vị. Ngoài ra trên đảo Lý Sơn cũng còn rất nhiều khu mộ còn nguyên vẹn những di cốt như thế này, vẫn còn bảo tồn nguyên vẹn dưới lòng đất ở Lý Sơn”. Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi nói.

Đến năm 2009, Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi lại một lần nữa tìm thấy dấu tích nền văn hóa Sa Huỳnh trên miền núi. Cuộc khai quật ở thung lũng sông Tang tại lòng hồ Nước Trong, do ông trực tiếp thực hiện kéo dài suốt 3 năm, đã phát lộ gần 100 mộ chum, cùng mộ vò, mộ đất và nhiều dụng cụ sản xuất bằng đá, đồng, sắt thuộc về nền văn hóa Sa Huỳnh và tiền Sa Huỳnh. Đây là một phát hiện mới, chứng minh rằng, người Sa Huỳnh xưa không chỉ cư trú ở vùng duyên hải và hải đảo mà còn sinh sống phồn thịnh tại các thung lũng dọc các con sông ở miền núi. “Khi khai quật ở trên lòng hồ chứa nước Nước Trong thì khi tìm thấy xuất hiện những cái chum thì bản thân tôi là để xem thử hồi xưa người Sa Huỳnh có cao hơn mình hay không. Thì đó là những kỷ niệm. Những kỷ niệm mà hầu như nghề khảo cổ thì ai cũng vậy thôi. Bởi vì khi mà đi tìm và tìm thấy có thì nó đem lại cảm xúc dâng trào”. Ông Khôi nhớ lại.
Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi dồn tâm vào nghiên cứu, khảo cổ về văn hóa Sa Huỳnh. Ông gọi đó là một "nghiệp duyên". Ông đã "sống cùng" văn hóa Sa Huỳnh để tái hiện hình hài của một nền văn hóa cổ xưa đã ẩn mình ngàn năm dưới lòng đất. Dù chưa bao giờ nhận mình là người khai phá, nhưng những gì ông đã làm mặc nhiên được các nhà khảo cổ trong nước và quốc tế thừa nhận.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Sử, Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học, Trưởng phòng Nghiên cứu thời đại đồ đá, Viện Khảo cổ học Việt Nam, cho biết: “Một trong những đóng góp quan trọng nhất của anh chính là nghiên cứu khảo cổ học tại lòng hồ Nước Trong, tức ở vùng miền núi của Quảng Ngãi. Và những phát hiện nghiên cứu của anh đã làm rõ được các vấn đề cơ bản của văn hoá Sa Huỳnh, Quảng Ngãi và đặt nó trong một vị trí văn hoá Sa Huỳnh của Việt Nam. Những đóng góp của tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi rất là to lớn đối với khảo cổ học ở Quảng Ngãi nói riêng và khảo cổ học tiền sử của Việt Nam nói chung”.
Ngày 24/3/2023, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Lễ công bố và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt đối với Văn hóa Sa Huỳnh. Ước mơ nâng tầm di sản văn hóa Sa Huỳnh mà Tiến sĩ Khôi luôn đau đáu đã thành hiện thực. Và cũng từ đây, văn hóa Sa Huỳnh có thể tiến gần hơn tới mục tiêu trở thành Di sản Văn hóa Thế giới.

Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: "Tôi thấy đó là nhiệm vụ lớn lao của mình và cùng là một cái mong muốn của mình để làm sao văn hoá Sa Huỳnh không phải là của Quảng Ngãi mà đây là của Việt Nam để nó có vị trí xứng đáng, có sự vương mở xứng đáng đúng với giá trị của văn hoá Sa Huỳnh. Nền văn hoá này cần có sự tôn vinh nó để đem lại một giá trị vinh danh, trước hết là quốc gia đặc biệt và trong tương lai lâu dài chúng ta có thể nâng thành di sản thế giới thì mới xứng tầm với di sản này. Tôi nghĩ nếu được vậy thì mình cảm thấy rất là vui vì đã đóng góp được một phần nhỏ cho việc này".
Cuốn sách có tựa đề “Văn hóa Sa Huỳnh trên vùng đất Quảng Ngãi” do Tiến sĩ Khôi biên soạn, trở thành nguồn tư liệu quý về văn hóa Sa Huỳnh. Ông coi đó như một phần kết cho hành trình dày công nghiên cứu của một nhà khảo cổ đã luôn đau đáu với nền văn hóa Sa Huỳnh trên dải đất miền Trung.
Ý kiến ()