Xã hội
Thứ 4, 01/03/2023 | 20:10:00 [(GMT +7)]
Sơn Tây phát triển cây trồng mới
Thứ 4, 01/03/2023 | 20:10:00 [(GMT +7)]
Những năm gần đây, ở huyện miền núi Sơn Tây đã phát triển các loại cây trồng mới, mở ra triển vọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Một số Hợp tác xã chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã hình thành, hướng tới phát triển lâu dài.
Vườn mít của gia đình anh Đinh Văn Ba, ở xã Sơn Liên đang được trồng thử nghiệm. Chính quyền địa phương hỗ trợ vốn mua cây giống và chuyển giao kỹ thuật chăm sóc. Thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp nên cây mít đang phát triển tốt, mang lại tín hiệu khả quan cho nông dân.
Anh Đinh Văn Ba, Xã Sơn Liên, huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi
Anh Đinh Văn Ba, Xã Sơn Liên, huyện Sơn Tây nói: Trồng mít đây đã 7 tháng. Mùa nắng thì tưới nước, bỏ phân. Xong thì sau này có trái mình bán để có tiền mua mắm, mua đồ ăn trong gia đình.
Tập trung tái cơ cấu nông nghiệp, huyện Sơn Tây đã quy hoạch các vùng chuyên canh cây trồng ở 09 xã trên địa bàn. Các giống cây trồng mới như nghệ, chuối, gừng gió đang được trồng thử nghiệm ở các xã Sơn Long, Sơn Liên, Sơn Dung. Các địa phương cũng nhân rộng những cây trồng bản địa, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững.
Ông Trần Minh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Sơn Liên, huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi
Ông Trần Minh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Sơn Liên, huyện Sơn Tây cho biết: Xã Sơn Liên hiện nay cũng có một số loại cây trồng chủ lực. Ngoài cây bưởi, cây ổi, cây dứa thì nhận thấy cây mít và cây nghệ cũng rất là phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng trên địa bàn xã Sơn Liên. Vừa rồi thì cũng có mở rộng thêm 3 ha mít và 3ha nghệ. Hiện nay, nghệ cũng đã gần thu hoạch và mít cũng đang xanh tốt và phát triển tốt và phát triển rất ổn.
Ông Nguyễn Văn Trí, Chủ tịch UBND xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi
Ông Nguyễn Văn Trí, Chủ tịch UBND xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây cho biết: Đảng bộ xã cũng đã thống nhất chọn những loại cây trồng vật, vật nuôi đã đem lại hiệu quả, đồng thời cũng định hướng cho bà con phát triển những loại cây có giá trị kinh tế cao hơn để thay thế dần cho những loại cây như cây keo, cây mì. Cụ thể là cũng đã định hướng cho bà con các vùng trồng phù hợp với các loại cây ăn quả. Song song đó thì cũng phát triển thêm các mô hình nuôi cá lồng bè trên lòng hồ thủy điện Đắkđrinh.
Bắt nhịp với xu thế phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, một số Hợp tác xã ở huyện Sơn Tây đã đầu tư máy móc, chế biến trái cây thành những sản phẩm đặc thù. Trong đó, các sản phẩm do Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên chế biến và sản xuất từ các loại trái cây ở địa phương, bước đầu tạo được niềm tin với người tiêu dùng.
Chị Phạm Thị Trầm, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên, huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi
Chị Phạm Thị Trầm, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên, huyện Sơn Tây cho biết: Người dân ở đây thì cũng đang tập với cái tập quán canh tác nên sản phẩm làm ra thì chưa được bắt mắt về mẫu mã. Cho nên, giờ mình phải chế biến để tận dụng các nguồn nguyên liệu ở địa phương nên là mua máy sấy là vừa đánh giá thị trường, vừa HTX cũng chế biến gì đó từ các loại trái cây trên địa bàn xã trồng được và trên địa bàn huyện Sơn Tây để đưa sản phẩm ra thị trường. Thay vì thô thì sẽ chế biến để tăng thêm, làm phong phú thêm sản phẩm của địa phương.
Tập trung phát triển các loại cây trồng mới, nhân rộng diện tích cây trồng bản địa được kì vọng sẽ mang lại “luồng gió mới” cho kinh tế nông nghiệp ở huyện Sơn Tây./.
Thời sự Truyền hình PTQ 19h45 ngày 01/3/2023/Tấn An, Trường Thịnh
Ý kiến ()