Xã hội
Phụ nữ Hre giúp nhau phát triển kinh tế
PTQ - Nhiều năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Minh Long đã phát triển hiệu quả mô hình “Trao đổi ngày công lao động”, giúp chị em tháo gỡ khó khăn về nhân lực lao động, gắn kết cộng đồng và phát triển kinh tế gia đình.

Trên mảnh đồi ở thôn Gò Chè, xã Long Sơn, gia đình chị Đinh Thị Mí vừa trồng xong hơn 4.000 cây keo giống. Nếu chỉ hai vợ chồng tự vận chuyển, trồng cây phải mất trên 10 ngày. Nhưng nhờ gần chục chị em trong thôn đổi ngày công giúp nhau, chỉ trong hai ngày đã hoàn thành.


Chuyện đổi công như vậy giờ không còn là việc riêng của vài hộ mà đã trở thành phong trào lan rộng ở nhiều thôn, xã của huyện Minh Long. Riêng tại xã Long Sơn, trong 05 năm qua, mô hình “Trao đổi ngày công lao động” được Hội Phụ nữ duy trì đều đặn. Mỗi thôn trong xã đều hình thành một đến hai tổ đổi công. Chị em trong tổ thường tập trung giúp nhau làm cỏ mì, phát chồi keo, khai thác keo, đốn củi, thu hoạch lúa và các loại hoa màu. Mọi việc được lên kế hoạch trước, luân phiên hợp lý nên vừa tiết kiệm công và chi phí, vừa kịp thời vụ.

Chị Đinh Thị Mân, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Long Sơn, huyện Minh Long, Quảng Ngãi, cho biết: Các hội viên phụ nữ các thôn thực hiện giúp đỡ nhau trao đổi ngày công để cùng nhau phát triển kinh tế cho địa phương. Thứ nhất giúp nhau về ngày công lao động, trồng keo, làm cỏ, trao đổi ngày công làm cỏ mì, keo, dằm lúa. Chị em cùng thực hiện tốt để cùng nhau phát triển kinh tế.
Toàn huyện Minh Long hiện có hơn 4.000 hội viên phụ nữ. Từ năm 2018 đến nay, mô hình “Trao đổi ngày công lao động” đã ghi nhận gần 20.000 ngày công trao đổi, hỗ trợ lẫn nhau. Riêng trong năm 2024, số ngày công trao đổi hơn 2.500 ngày. Vừa giúp nhau trong sản xuất, các tổ đổi công cũng là điểm tựa sẻ chia của chị em những lúc ốm đau, hoạn nạn, khó khăn.

Bà Đinh Thị Nghiêng, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Minh Long, Quảng Ngãi, cho biết: Mô hình rất phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Ví dụ địa phương chủ yếu trồng keo với mì. Khi mà thực hiện mô hình trao đổi ngày công lao động thì nó giảm chi phí trong sản xuất. Từ đó, hội viên phụ nữ có thêm nguồn vốn đầu tư cho phát triển kinh tế và cải thiện cuộc sống trong gia đình, giáo dục, nuôi dạy con cái tốt hơn.
Không chỉ là giải pháp hỗ trợ sản xuất, mô hình “Trao đổi ngày công lao động” còn giữ gìn và phát huy tinh thần đoàn kết, sẻ chia, là một giá trị quý báu trong cộng đồng người Hre. Nhờ đó, tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, chị em gắn bó với nhau hơn, cùng vượt qua khó khăn để vươn lên trong cuộc sống.
Ý kiến ()