Xã hội
Thứ 6, 17/03/2023 | 20:20:00 [(GMT +7)]
Phát triển cây dược liệu ở Sơn Tây
Thứ 6, 17/03/2023 | 20:20:00 [(GMT +7)]
Khu vực miền núi tỉnh Quảng Ngãi có nhiều loại cây dược liệu quý, có giá trị y học và giá trị kinh tế. Do cách khai thác tùy tiện nên có nguy cơ cạn kiệt. Trước thực trạng đó, các dự án bảo tồn và phát triển vùng dược liệu đã được triển khai. Tại huyện Sơn Tây, nhiều mô hình trồng thử nghiệm các loại cây dược liệu như sâm đương quy, sâm bảy lá, tam thất bắc, tam thất nam, địa liền bước đầu cho tín hiệu khả quan.
Khu vườn trồng tam thất nam của anh Đinh Văn Pay, ở thôn Bà He, xã Sơn Tinh. Sau gần 1 năm trồng thử nghiệm, với thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp, cây tam thất nam đã bắt đầu cho củ, sắp đến kì thu hoạch, mang lại hi vọng phát triển kinh tế gia đình.
Anh Đinh Văn Pay, Xã Sơn Tinh, huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi
Anh Đinh Văn Pay, Xã Sơn Tinh, huyện Sơn Tây nói: Trồng cái cây này thì mong muốn để phát triển kinh tế cho nó ổn định sau này để trang trải cuộc sống cho nó có tiền mua sắm trong gia đình này kia. Nói chung thì cũng mong trên cấp cây giống dược liệu này cho các hộ dân để mà phát triển sau này.
Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở Sơn Tây đã đưa vào trồng thử nghiệm các loại cây dược liệu như nghệ, gừng gió, sâm đương quý, sâm bảy lá, địa liền, tập trung chủ yếu ở các xã Sơn Tinh, Sơn Long, Sơn Liên. Hầu hết, các vườn cây dược liệu phát triển tốt. Một số cây như gừng gió, địa liền đã bắt đầu cho thu hoạch.
Anh Đinh Văn Trinh, Trưởng thôn Bà He, xã Sơn Tinh, huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi
Anh Đinh Văn Trinh, Trưởng thôn Bà He, xã Sơn Tinh, huyện Sơn Tây cho biết: Hiện nay, thôn Bà He tự trồng cây dược liệu, tam thất nam rất là hiệu quả. Bà con tự trồng và thôn cũng đã tạo điều kiện cho bà con. Thứ hai, chỗ nguồn vốn của huyện cũng mong hỗ trợ cho bà con để sắp tới bà con trồng cây tam thất nam để đạt hiệu quả cao và đem lại xóa đói giảm nghèo bền vững.
Ưu thế của một số cây dược liệu là có thể phát triển dưới tán rừng, trồng xen lẫn với các loại cây bản địa. Huyện Sơn Tây đã chỉ đạo các địa phương phối hợp với doanh nghiệp triển khai, hình thành các vùng chuyên canh cây dược liệu gắn với chế biến, tiêu thụ, từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tạo sinh kế lâu dài cho người dân.
Ông Đinh Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Tinh, huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi
Ông Đinh Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Tinh, huyện Sơn Tây cho biết: Bà con nhân dân ở đây đem lại một mô hình là cây tam thất nam và cây địa liền để mong muốn phát triển kinh tế để thay một phần nào đó cho cây mì. Hiện tại, bây giờ so với cây mì, cây này thì giá trị nó cao hơn. Bởi vậy, chính quyền địa phương hỗ trợ kỹ thuật, còn sức lao động thì bà con nhân dân họ tự giúp ngày công cùng nhau làm. Bà con nhân dân mong muốn chính quyền xã, cấp trên tạo điều kiện giúp đỡ phát triển kinh tế, đem lại giá trị cho bà con nhân dân có tiền trang trải hàng ngày, đây là mong muốn của chính quyền địa phương của chúng tôi.
Trong bối cảnh các loại cây dược liệu trong thiên nhiên đang ngày càng cạn kiệt. Một số giống cây quý có nguy cơ cạn kiệt thì việc bảo tồn, phát triển cây dược liệu ở huyện Sơn Tây không chỉ dừng lại ở vấn đề kinh tế, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong bảo vệ nguồn gen quý để nhân ra diện rộng./.
Thời sự Truyền hình PTQ 19h45 ngày 17/3/2023/Tấn An, Trường Thịnh
Ý kiến ()