Thời sự - Chính trị
Nỗ lực thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững
PTQ - Ngày 22/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị toàn quốc tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Phong trào "Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới, Phong trào "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" giai đoạn 2021-2025.

Chủ trì tại điểm cầu Quảng Ngãi, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Giang đã báo cáo một số kết quả của tỉnh Quảng Ngãi cũng như kiến nghị, đề xuất một số nội dung quan trọng. Dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Phiên và lãnh đạo sở ngành, địa phương.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy đánh giá, kết quả thực hiện hai Chương trình mục tiêu quốc gia tiếp tục khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, nhà nước, được người dân đồng thuận cao, thúc đẩy phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Điều kiện sống người dân cải thiện rõ nét, nhất là các địa bàn khó khăn. Hạ tầng nông thôn phát triển đồng bộ, dịch vụ thiết yếu được mở rộng; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh; cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển và chênh lệch vùng miền. Đã tiếp cận các xu thế phát triển mới như chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, du lịch nông thôn, dinh dưỡng, đào tạo nghề, tạo việc làm, bình đẳng giới, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Các phong trào "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau", cuộc vận động "Toàn dân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", có sức lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng trong cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp Nhân dân, phát huy mạnh mẽ vai trò chủ thể của người dân trong. Về định hướng chương trình giai đoạn 2026-2035, phấn đấu đến năm 2030 thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng ít nhất 2,5 lần so với năm 2020; không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025; duy trì giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều bình quân từ 1 đến 1,5%/năm, xã nghèo giảm ít nhất 3%/năm. Đến năm 2030, cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có ít nhất 35% số xã nông thôn mới nâng cao; có ít nhất 10% số xã nông thôn mới hiện đại.

"Để triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh Quảng Ngãi đề xuất, kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương xem xét một số nội dung sau: Đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2026-2030, bảo đảm phù hợp với thực tiễn, phân rõ vùng miền (miền núi, đồng bằng, ven biển) để không tạo áp lực quá lớn cho các xã vùng khó khăn. Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường sớm ban hành hướng dẫn nguyên tắc rà soát, xác định mức độ đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao đối với các xã sau sáp nhập. Đồng thời, tham mưu hoàn thiện chính sách giảm nghèo giai đoạn 2026-2030 theo chỉ số thiếu hụt, trong đó ban hành chuẩn nghèo mới gắn liền với các chỉ số thiếu hụt mà chính sách có thể tác động được". Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang phát biểu tại hội nghị. |
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang cho biết, tỉnh Quảng Ngãi đã kịp thời lập Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia các cấp và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên thực hiện. Toàn tỉnh có 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh giai đoạn 2021-2025 đã giảm từ 9% xuống còn 2,5% vào cuối năm 2025. Hiện nay toàn tỉnh còn 5 huyện miền núi hưởng ngân sách Trung ương vẫn còn nhiều hộ nghèo, bình quân mỗi năm giảm 1,76% hộ nghèo, vượt chỉ tiêu Trung ương giao là 0,26%. Tỉ lệ hộ nghèo đầu kỳ trên địa bàn cấp huyện từ 43% dự kiến giảm xuống còn 6,84% vào cuối năm 2025. Chất lượng cuộc sống người nghèo được cải thiện, cơ sở hạ tầng được đầu tư phát triển. Các huyện miền núi được đầu tư đáng kể, nhiều mô hình kinh tế, hỗ trợ sản xuất, giải quyết việc làm được triển khai hiệu quả. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nêu một số khó khăn, vướng mắc thực hiện các chương trình thời gian qua và đề xuất, kiến nghị giải pháp tháo gỡ thời gian tới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chương trình xây dựng nông thôn mới có 79% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 51% số đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; đã có 12 tỉnh, thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, hiện nay còn nhiều vùng có tỉ lệ nghèo trên 50%. Thủ tướng đề nghị, trong định hướng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2026-203 phải phù hợp với thực tiễn, yêu cầu mới; triển khai hiệu quả các chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP. Cần quan tâm đến môi trường nông thôn, gắn với xóa bỏ các tập tục lạc hậu, bảo đảm nước sạch, nhà vệ sinh hợp vệ sinh. Tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao đời sống tinh thần người dân. Chất lượng giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe cho người dân nông thôn ngày càng được nâng cao.
Ý kiến ()