Thế giới
Nhật thực nhân tạo đầu tiên trong lịch sử nhân loại
Thay vì chờ đợi nhiều năm để chứng kiến những khoảnh khắc hiếm hoi khi Mặt Trăng tình cờ che khuất Mặt Trời, các nhà khoa học giờ đây có thể chủ động tạo ra nhật thực với thời gian kéo dài tới nhiều giờ.

Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) ngày 16/6 đã công bố những hình ảnh ngoạn mục về nhật thực nhân tạo đầu tiên trong lịch sử nhân loại – không phải do Mặt Trăng gây ra, mà là do hai vệ tinh nhỏ bay cách nhau đúng 150 mét trong không gian, phối hợp chính xác đến từng milimet.
Đây là thành quả của sứ mệnh Proba-3 trị giá 210 triệu USD do ESA thực hiện. Hai vệ tinh – mỗi chiếc dài chưa đến 1,5 mét – được đặt ở quỹ đạo cao hàng chục nghìn km so với Trái Đất. Một vệ tinh làm nhiệm vụ che Mặt Trời, giống như vai trò của Mặt Trăng trong nhật thực tự nhiên, còn vệ tinh kia mang theo kính thiên văn đặc biệt để quan sát vành nhật hoa – lớp khí siêu nóng, mỏng manh bao quanh Mặt Trời.
ESA khẳng định “chưa từng có sứ mệnh nào đạt được độ chính xác cao như vậy”. Kể từ tháng 3 vừa qua đến nay, Proba-3 đã tạo ra 10 lần nhật thực nhân tạo thành công, trong đó có một lần kéo dài tới 5 tiếng – điều không tưởng nếu so với nhật thực tự nhiên vốn chỉ diễn ra trong vài phút.
Ý kiến ()