Xã hội
Thứ 7, 25/02/2023 | 12:30:00 [(GMT +7)]
Nghề điều dưỡng
Thứ 7, 25/02/2023 | 12:30:00 [(GMT +7)]
Các điều dưỡng có vai trò rất quan trọng trong việc chăm sóc, điều trị người bệnh. Sự cống hiến của các anh, chị thường lặng lẽ và ít được nhắc đến sau mỗi ca bệnh điều trị thành công. Người điều dưỡng luôn ân cần, tỉ mẩn với công việc thường nhật bằng tất cả tình yêu thương và sự hy sinh để giành lại sự sống cho người bệnh.
Một thai phụ nhập viện tại Khoa Cấp cứu Đa khoa, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh. Điều dưỡng Phạm Thị Thùy Mỹ tiếp cận người bệnh và thực hiện ngay các thao tác chuyên môn ban đầu. Sự ân cần của nữ điều dưỡng Mỹ đã góp phần hỗ trợ người bệnh vượt qua giai đoạn nguy kịch.
Điều dưỡng Phạm Thị Thùy Mỹ, Khoa Cấp cứu Đa khoa, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ngãi
Điều dưỡng Phạm Thị Thùy Mỹ, Khoa Cấp cứu Đa khoa, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Ở khoa thì rất nhiều trường hợp cấp cứu vô, xử lí xong thì thật sự mình thấy mình đã giúp đỡ bệnh nhân qua cơn nguy kịch và sau một ca cấp cứu thì mình thấy vui rất nhiều khi mình thấy hạnh phúc trong lòng.
Đặc thù Khoa Hồi sức tích cực, Chống độc là bệnh nhân nặng và nguy kịch. Đứng trước lằn ranh của sự sống và cái chết nên không tránh khỏi những áp lực cả cho nhân viên y tế và người nhà bệnh nhân. Gần 20 năm làm nghề, điều dưỡng Tôn Lê Đạt, không thể nhớ đã từng chăm sóc bao nhiêu người bệnh và từng đối diện với bao nhiêu áp lực.
Điều dưỡng Tôn Lê Đạt, Khoa Hồi sức tích cực, Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi
Điều dưỡng Tôn Lê Đạt, Khoa Hồi sức tích cực, Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Căng thẳng thì bọn em nhiều lắm, công việc của bọn em, một điều dưỡng bọn em chăm sóc từ 10 - 12 bệnh nhân thì áp lực công việc rất là nhiều. Trưa, nhiều lúc trưa 11, 12 giờ trưa cũng chưa được nghỉ để ăn cơm trưa. Người nhà đôi lúc đến than phiền là sao bây giờ chưa xong việc, chưa cho người nhà vô thăm bệnh, chưa cho vô cho ăn nhưng thực tế làm không xuể.
Chăm sóc người bệnh thông thường đã vất vả, người bệnh tâm thần lại càng vất vả hơn. Bệnh viện Tâm thần tỉnh đang điều trị nội trú cho 131 bệnh nhân, trong đó có hơn 90% người bệnh không có người thân chăm sóc. Điều dưỡng Bùi Đình Súy và các đồng nghiệp chính là người thân của người bệnh trong suốt thời gian điều trị. Sự thấu hiểu, chia sẻ từ người thầy thuốc đã giúp người bệnh tâm thần an tâm, tiếp tục điều trị.
Điều dưỡng Bùi Đình Súy, Khoa Tâm thần Nam, Bệnh viện Tâm thần tỉnh Quảng Ngãi
Điều dưỡng Bùi Đình Súy, Khoa Tâm thần Nam, Bệnh viện Tâm thần tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Bệnh nhân tâm thần thường gia đình không quan tâm nhiều như những bệnh nhân nội khoa khác. Nên điều dưỡng ở đây chăm sóc bệnh nhân tâm thần rất vất vả như chăm sóc một đứa trẻ vậy. Về chế độ ăn uống, cho họ ăn uống, ngủ nghỉ, tắm rửa hàng ngày và cắt tóc vệ sinh.
Tiến sỹ, Bác sỹ Nguyễn Đình Tuyến, Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ngãi
Tiến sỹ, Bác sỹ Nguyễn Đình Tuyến, Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Thành công trong điều trị phải nhờ công lao rất lớn của điều dưỡng. Bác sỹ thì khám bệnh, chẩn đoán, điều trị nhưng người điều dưỡng sẽ chăm sóc, theo dõi mạch, huyết áp kể cả nhịp thở, săn đỡ cho bệnh nhân hẹn ngày, giờ thuốc. Công lao và sức đóng góp của người điều dưỡng rất lớn đối với bệnh nhân và bệnh viện.
Chịu nhiều hy sinh, vất vả nhưng với các điều dưỡng niềm vui lớn nhất chính là nụ cười của bệnh nhân, người nhà khi được khỏe lại và xuất viện./.
Bản tin Truyền hình PTQ 11h30 ngày 25/02/2023/Thục Uyên, Lương Triều
Ý kiến ()