Văn hóa
Ngày sách và văn hóa đọc
PTQ - Để phát triển văn hóa đọc lên tầm cao mới, năm 2021, Thủ tướng Chính phủ quyết định tổ chức Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam vào ngày 21/4 hàng năm trên toàn quốc nhằm khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi. “Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam” không chỉ diễn ra trong một ngày mà nó phải diễn ra liên tục suốt đời mỗi con người.

“Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam” vào ngày 21 tháng 4 hằng năm trên phạm vi toàn quốc. Năm nay 2025 cũng sẽ diễn ra như vậy.
Câu chuyện về văn hóa đọc là một câu chuyện rất dài, có thể là miên viễn. Xã hội phát triển, văn minh tiến bước chính phần lớn nhờ ở đọc sách. Toàn thế giới đọc sách, từ châu Á tới châu Âu, từ châu Phi tới châu Mỹ…Sách đến tận Nam cực và Bắc cực. Tới lúc sách đến cả những hành tinh khác.
Việt Nam chúng ta không là ngoại lệ. Nhưng để người Việt có được thói quen đọc sách, biết tranh thủ thời gian để đọc sách, biết những loại sách nào hay và có ích cho mình để tìm đọc, thì cần phải không chỉ tuyên truyền, mà cần rèn luyện. Trong các loại thói quen thường nhật của người Việt, thì thói quen đọc sách phải được đặt lên hàng đầu.
Khi thành phố Quảng Ngãi xây dựng công viên Thiên Bút, tôi đã đề xuất dựng tượng Bác Phạm Văn Đồng, vì Bác Đồng là một nhà văn hóa lớn, một người có thói quen đọc sách từ khi còn rất trẻ. Bao năm trong tù ngục thực dân Pháp, Bác Đồng cũng như những người tù cộng sản khác đều tìm mọi cách để đọc sách, biến nhà tù đế quốc thành trường học, thành thư viện để trau dồi tri thức phục vụ cho cách mạng. Vì thế, tượng Bác Phạm Văn Đồng đặt ở công viên Thiên Bút phải thể hiện Bác đang ngồi ung dung đọc sách, mắt nhìn về phương Bắc là phương có Bác Hồ.
Chính vì hiểu giá trị của sách mà mấy năm nay nhóm những người bạn tổ chức “Tủ sách Đặng Thùy Trâm” chúng tôi đã vận động và tự mình bỏ tiền mua sách hay sách tốt gửi đến những trường học nơi các em học sinh đang cần sách đọc. Thời trẻ khi chúng tôi đi học cũng đã tranh thủ đọc được rất nhiều sách, nhất là những sách kinh điển, đó là vốn quý cho chúng tôi những tri thức cơ bản sử dụng suốt cuộc đời mình.
“Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam” không chỉ diễn ra trong một ngày. Nó phải diễn ra liên tục suốt năm, suốt nhiều năm, suốt đời mỗi con người. Có rất nhiều cách quảng bá sách hay sách tốt đến mọi người, nhất là đến với học sinh, lớp người trẻ sẽ là rường cột dựng xây đất nước. Chúng ta phải học tinh thần đọc sách của người châu Âu hay châu Mỹ. Họ luôn mang sách theo bên mình, và tranh thủ đọc sách khi đang ngồi trên các phương tiện giao thông công cộng. Cách đọc sách như thế khiến tâm trí thoải mái và tạo nên sự nhạy cảm cho những công việc, những dự tính mà mình đã và đang thực hiện.
Có một lần tôi được Bác Phạm Văn Đồng mời ăn cơm, và trong câu chuyện với Bác, tôi biết thời trẻ Bác đã đọc rất nhiều sách kinh điển, tác phẩm của các nhà văn nhà thơ lớn trên thế giới. Một nhà lãnh đạo quốc gia đồng thời là một nhà văn hóa lớn, thì quốc gia ấy có cơ hội phát triển. Đọc sách không chỉ là một thói quen, mà phải là một phong thái của người Việt.
Ý kiến ()