Xã hội
Chủ nhật, 11/09/2022 | 17:11:00 [(GMT +7)]
Nâng tầm giá trị thương hiệu tỏi Lý Sơn
Chủ nhật, 11/09/2022 | 17:11:00 [(GMT +7)]
Tỏi Lý Sơn là 1 trong 11 đặc sản Việt Nam xác lập kỷ lục châu Á, và là "Top 10 đặc sản quà tặng nổi tiếng Việt Nam”. Tuy nhiên thương hiệu Tỏi Lý Sơn vẫn chưa được khai thác đúng tầm. Thường “được mùa thì mất giá” và thậm chí còn bị mạo danh. Bảo vệ, nâng cao giá trị thương hiệu Tỏi Lý Sơn là việc làm cấp thiết.
Loại nông sản nằm trong 11 đặc sản Việt Nam xác lập kỷ lục châu Á, và là Top 10 đặc sản quà tặng nổi tiếng Việt Nam nhưng được bày bán như những loại nông sản thông thường khác ở chợ. Không nhãn mác, không bao bì, không địa chỉ sản xuất. Khó ai có thể nhận biết chính xác đây là tỏi Lý Sơn chính hiệu. Và người chịu thiệt là những người trồng ra loại nông sản này.
Bà Dương Thị Đông, An Vĩnh, Lý Sơn, Quảng Ngãi
Bà Dương Thị Đông, An Vĩnh, Lý Sơn, Quảng Ngãi nói: Người ta mà buôn nhiều thì người ta đăng ký nhãn hiệu được. Còn đây bọn chị là làm quê, ở nhà chở xuống 5, 7 chục ký thì đâu có nhãn hiệu gì đâu.
Bà Đặng Thị Toà, An Vĩnh, Lý Sơn, Quảng Ngãi
Bà Đặng Thị Toà, An Vĩnh, Lý Sơn, Quảng Ngãi nói: Giá cả bấp bênh ở chợ. Còn ở siêu thị 80 ngàn thì 80 ngàn miết.
Với diện tích trồng tỏi hơn 300 ha, mỗi năm, nông dân huyện đảo Lý Sơn thu hoạch được từ 2.000 đến 3.000 tấn tỏi. Năm nay sản lượng chỉ đạt 1.225 tấn, giảm 2.478 tấn so với năm trước. Tỏi Lý Sơn hiện nay có giá từ 120 ngàn đến 150 đồng một ký, cao gần gấp đôi so với mọi năm. Dù giá cao nhưng người trồng tỏi ở Lý Sơn không vui vì điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa”.
Bà Ngô Thị Cúc, Lý Sơn, Quảng Ngãi
Bà Ngô Thị Cúc, Lý Sơn, Quảng Ngãi cho biết: Khách hàng họ rất ưa chuộng tỏi lý Sơn những họ sợ nhầm sao đó nên giờ yêu cầu xin huyện hoặc tỉnh hỗ trợ cho có cái nhãn mác thương hiệu Tỏi Lý Sơn để người dân bán được giá cao.
Tỏi Lý Sơn được Cục Sở hữu trí tuệ trao chứng nhận chỉ dẫn địa lý vào năm 2020. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên việc triển khai các bước phát triển, bảo vệ thương hiệu, khai thác chỉ dẫn địa lý chưa thể thực hiện được. Năm nay, UBND huyện Lý Sơn đã thuê đơn vị tư vấn tập huấn, hướng dẫn nông dân khai thác sử dụng chỉ dẫn địa lý, tiến đến cấp mã vùng trồng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn
Bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi cho biết: Tư vấn cũng đã hoàn thành hết các nhiệm. Hiện còn chuyển giao và áp dụng đưa vào cho người dân thì sắp tới sẽ thực hiện. Nó chậm những đây là việc cần phải làm. Thời gian tới huyện sẽ phấn đấu triển khai được cái chỉ dẫn địa lý, nhất là trong truy xuất nguồn gốc để người dân và du khách tin tưởng vào tỏi Lý Sơn.
Tỏi Lý Sơn là nhãn hiệu địa lý của loại tỏi được trồng ở huyện đảo Lý Sơn và là nhãn hiệu của vùng được pháp luật bảo hộ. Khi mã vùng trồng được áp dụng thì thương hiệu tỏi Lý Sơn sẽ được bảo vệ chặt chẽ hơn, niềm tin của người tiêu dùng cũng tăng lên. Và quan trọng hơn là giá trị kinh tế cũng sẽ cao hơn giúp người trồng tỏi trên đảo Lý Sơn có thu nhập cao từ loại nông sản được ví là loại “vàng trắng” này./.
Tiến Công, Thanh Trung/PTQ
Ý kiến ()