Thế giới
Thứ 7, 24/10/2020 | 10:01:00 [(GMT +7)]
Liên hợp quốc 75 năm nhìn lại
Thứ 7, 24/10/2020 | 10:01:00 [(GMT +7)]
Sau 75 năm tồn tại và phát triển, Liên hợp quốc (LHQ) đã trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử. LHQ đang ngày càng chứng tỏ là một tổ chức không thể thiếu trong nền chính trị thế giới. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay đại dịch COVID-19 bùng phát khiến thế giới rơi vào tình trạng hỗn loạn. LHQ và niềm tin vào sự đoàn kết toàn cầu chưa bao giờ lại cần thiết như lúc này. Sau đây mời QV&CB cùng nhìn lại những dấu mốc trong suốt 75 năm qua của LHQ.
Liên hợp quốc 75 năm nhìn lại
LHQ chính thức thành lập vào ngày 24/10/1945khi Hiến chương LHQ được phê chuẩn bởi Trung Quốc, Pháp, Liên Xô, Anh, Hoa Kỳ và đa số các quốc gia ký kết trước đó.
Với những quyền hạn do Hiến chương đem lại và vị thế quốc tế đặc thù, LHQ có thể đưa ra những quyết sách chung đối với một loạt những vấn đề toàn cầu như hòa bình và an ninh, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, các quyền con người, khủng hoảng nhân đạo và y tế, bình đẳng giới…
Từ 51 quốc gia thành viên khi mới thành lập, LHQ hiện có 193 quốc gia thành viên.
Kể từ khi thành lập đến nay, LHQ đã xây dựng một trật tự thế giới mới, dựa trên pháp quyền và việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, phù hợp với luật pháp quốc tế. Hiện LHQ đã triển khai 71 phái bộ gìn giữ hòa bình ở nhiều khu vực trên thế giới để giúp chấm dứt xung đột, khôi phục hòa bình, hỗ trợ công cuộc tái thiết ở nhiều quốc gia thành viên.
LHQ cũng đã soạn thảo và xây dựng được một hệ thống các công ước quốc tế về giải trừ quân bị, trong đó có các hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân từ năm 1968-2017, nhằm tạo ra khuôn khổ pháp lý cho việc ngăn chặn phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các loại vũ khí này.
Về lĩnh vực bảo đảm, thúc đẩy quyền con người, trong 75 năm qua, Liên hợp quốc đã thông qua Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế, Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, các công ước chống nạn diệt chủng, tra tấn và chế độ nô lệ, các công ước chấm dứt phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử với phụ nữ, công ước về quyền trẻ em và người khuyết tật cũng như nhiều văn kiện khác.
Từ năm 1960, ĐHĐ LHQ đề ra các chiến lược phát triển cho từng thập kỷ nhằm huy động hợp tác quốc tế cho các mục tiêu phát triển chung, nhất là ở các nước đang phát triển.
Liên hợp quốc đã đưa ra Công ước về luật biển là một hiệp ước toàn diện, quản lý tất cả các phương diện của đại dương và các nguồn tài nguyên biển. Công ước cũng được soạn thảo nhằm mục đích ngăn chặn hành động làm ô nhiễm, suy thoái và khai thác quá mức các đại dương.
Sau 75 năm tồn tại và phát triển, LHQ ngày càng chứng tỏ là một tổ chức không thể thiếu trong nền chính trị thế giới. Sự lớn mạnh của LHQ chính là do mục tiêu đúng đắn của tổ chức này phù hợp với nguyện vọng hòa bình, độc lập, phát triển và tiến bộ xã hội của các dân tộc./.
Ý kiến ()